Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

NÉT ĐẸP THIÊN NHIÊN HOANG DÃ VIỆT NAM

   
Thằn ngươi tròn hòn khoai Cnemaspis psychedelica - Ảnh: Phùng mỹ Trung

Trong giống thằn lằn con ngươi tròn Cnemaspis được xem như là những loài có sắc màu diệu kỳ nhất trong họ Tắc kè Gekkonidae và loài Thằn ngươi tròn hòn khoai Cnemaspis psychedelica có thể gọi loài mới này là nữ hoàng của các loài thằn lằn đá ngươi tròn được mô tả trước đây ở Đông Nam Á bởi màu sắc sặc sỡ - lưng có màu xám xanh đến màu đỏ tía nhạt; chân, đuôi và bụng có màu cam rực rỡ; trên cổ có những đốm vàng dạng lưới cùng với những sọc đen, dày dọc hai bên; lườn bụng có màu cam với bốn đến năm vạch vàng tươi mảnh, chiều dài đầu thân khoảng từ 72,2mm đến 75,3mm. Đây là loài thằn lằn đá ngươi tròn thứ năm thuộc giống Cnemaspis được khám phá ở Việt Nam. Hiện nay loài này đang được bảo tồn rất tốt ở đảo Hòn Khoai vì khu vực này hoàn toàn không cho phép người dân sinh sống và định cư và những khu rừng ở đây hoan toàn không bị tác động do việc kiểm tra kiểm soát liên tục và chặt chẽ của các chiến sỹ Kiểm lâm thuộc Hạt kiểm lâm Hòn Khoai. Hy vọng những hy sinh thầm lặng của các anh sẽ được các thế hệ sau của chúng ta Tri Ân những đóng góp lớn lao này.

Rắn sọc đỏ Oreocryptophis porphyraceus- Ảnh: Nguyễn Thiên Tạo

Loài rắn sọc đỏ Oreocryptophis porphyraceus được xem như là loài có hoa văn, sắc màu rất đẹp và ấn tượng nhất trong giống Oreocryptophis ở Việt Nam. Cách bố trí sắc màu của những loài này thường làm cho kẻ thù của chúng và ngay cả con người lầm tưởng với loài rắn cực độc trong tự nhiên. Tuy nhiên chúng là những loài rất hiền và vô hại đối với chúng ta. Cũng chính vì màu sắc và vô hại đối với con người nên giống rắn này thường trở thành vật nuôi của rất nhiều vị khách nước ngoài chơi cảnh. Đây đang là thảm hoạ đối với dòng họ của chúng. Rắn sọc đỏ Oreocryptophis porphyraceus là một ví dụ điển hình. Hiện nay loài rắn này bị săn đuổi, bắt, bán với giá rất cao ở vùng loài này phân bố. Vì là loài hiếm nên chúng ngày càng hiếm hơn và rất có khả năng đứng trên bờ vực tuyệt chủng trong thiên nhiên. Đây cũng là mảng tối trong bức tranh thiên nhiên xám màu ở Việt Nam . Nếu chúng ta không kịp chung tay bảo vệ các loài hoang dã ngay từ giờ phút này thì chắc chắn con cháu chúng ta chỉ nhỉn thấy loài rắn xinh đep này như một ký ức trên những tấm hình.

Hút mật họng hồng Nettarinia separata - Ảnh & Lời bình HOÀNG QUẢN

Trong các loài chim ở Việt Nam, có lẽ loài hút mật họng hồng là một trong những loài xứng danh với mỹ từ "nữ chúa của những loài chim". Với bộ lông nhiều màu sặc sỡ được ban tặng từ tạo hóa, chúng như những bức tranh hoàn hảo, luôn nhộn nhịp và liếng thoắng trong thiên nhiên hoang dã. Nhiều màu sắc là thế, nhưng những mảng màu ánh kim sẽ chỉ hiện vẻ đẹp hoàn hảo dưới ánh nắng trực tiếp của mặt trời, và cũng chính vì thế, chúng được đặt tên tiếng anh là "sunbird". Thân hình nhỏ nhắn là vậy, nhưng loài này có tốc độ di chuyển nhanh như tên bắn, nên thường rất khó nhận ra khi chúng đi trong bụi rậm. Là loài chim khá chăm chỉ, và lại có nhu cầu dinh dưỡng cao, nên không lạ gì khi chúng có thời gian hoạt động rất sớm: từ lúc trời còn lờ mờ sáng. Dễ nghe thấy tiếng gọi nhau và tiếng hót vui tai của hút mật họng hồng vào những buổi tinh mơ, khi con nắng vừa chớm đầu ngọn cỏ, và hoa đang hé nở. Đơn giản vì thức ăn chính của chúng là mật- thứ tinh túy nhất của mỗi nàng hoa. Lấy mật hoa rồi, hút mật họng hồng không quên đáp trả bằng cách giúp hoa thụ phấn. đấy là một ví dụ điển hình cho sự cộng sinh hoàn hảo giữa các sinh vật trong thiên nhiên, để, không những giúp nhau sinh tồn, mà còn là phát triển và duy trì nòi giống. Một quy luật tất yếu của muôn loài, nhưng tiếc thay, bây giờ, dường như con người đang cố tình phá vỡ.

Rắn sọc vàng Coelognathus flavolineatus Ảnh: Phùng mỹ Trung

Rắn sọc vàng Coelognathus flavolineatus là một trong những loài rất hiếm gặp ở Việt Nam. Trước đây các nhà khoa học chỉ mới ghi nhận ở vùng phân bố ở K Bang (Gia Lai) và Nghĩa Trung (Bình Phước) và đã nhiều năm trở lại đây dù có nhiều chuyến đi nhằm tìm kiếm loài rắn này vẫn nhưng chưa có kết quả. Đây là loài rắn có kích thước khá lớn cá thể nặng nhất mới được các thành Viên Sinh vật rừng Việt Nam thu mẫu và ghi nhận vùng phân bố mới ở Thác Mai, Tân Phù Đồng Nai là 1,6k và chiều dài 1,8m. Việc phát hiện ra vùng phân bố mới của loài này không chỉ những nỗ lực của các nhà nghiên cứu mà còn có điều kiện để tìm hiểu các đặc tính sinh thái của chúng ở nước ta. Qua đó đề xuất các biện pháp và phương án bảo tồn không chỉ với loài rắn hiếm này mà con rất nhiều loài đang bị con người đe dọa vì những ham muốn tầm thường của những kẻ thích sử dụng thịt rừng làm món ăn đặc sản.

   
 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này