Bướm phượng đuôi kiếm răng tù Teinopalpus imperialis chắc chắn là một trong những loài bướm sống ở độ cao nhất Đông nam Á. Một vài cá thể đực thường bay trên nóc nhà đông dương, đỉnh Fansipan hoặc giông núi ở độ cao trên 3000m thuộc Vườn quốc gia Hoàng liên. Một vài cá thể khác đã được tìm thấy ở đỉnh Ngọc Linh, đỉnh Chưyangsin đều là những đỉnh núi cao ngất Việt Nam. Đây là loài bướm không chỉ đẹp, rực rỡ sắc màu mà còn là loài rất quí, hiếm gặp. Ngay cả những nhà nghiên cứu côn trùng cũng khó có cơ hội gặp và chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiêu kỳ của chúng. Thời gian hoạt động từ 7h30 tới trưa. Con đực thường bay đến nơi ẩm ướt và hút ẩm ở lá cây. Khi trời đầy mây, chúng ngừng tất cả các hoạt động. Con cái cũng thấy bay trên đỉnh núi, bay cả trong những ngày trời nắng, mưa và cũng thích ánh nắng mặt trời. Kiểu bay nhanh và nhẹ, chúng rất ít khi viếng thăm hoa và nơi ẩm ướt. Đây là loài bướm lưỡng hình ở hình dạng và kích cỡ cánh sau. Con đực có một đuôi dài ở mạch cánh thứ 4. Con cái có hai đuôi dài ở mạch cánh thứ 4 và 6, ba đuôi ngắn ở mạch cánh thứ 2, 3 và 5. Con cái màu xám hơn với đốm màu vàng ở nửa phần dưới cánh sau. Con đực nhỏ hơn con cái. Loài này giống với loài Teinopalpus aureus, chỉ khác là có đốm màu vàng chanh chiếm khoảng 1/2 buồng giữa của cánh sau con đực. Hãy chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chúng qua những tấm hình của nhà nghiên cứu côn trùng Tô văn Quang để chia sẻ những khó khăn gian khổ mà anh đã ầm thầm vượt qua trong cuộc đời làm nghiên cứu khoa học.
|