NƯỚC MẮT TÊ GIÁC Ở NAM PHI - KINH NGHIỆM QUÍ CỦA NAM PHI
Phùng Mỹ Trung - WEB ADMIN
Phần I: Chào Nam Phi, đất nước tươi đẹp
Phần II: Săn tê giác để bảo tồn nguồn gen
Phần III: Thả tê giác ở để bảo tồn nguồn gen
Phần IV: Nước mắt tê giác và tội ác của con người
Phần V: Sự mê muội đáng hổ thẹn
Phần cuối: Kinh nghiệm quý của Nam Phi
Phần I: KINH NGHIỆM QUÍ BÁU TỪ NAM PHI !
Mặc dù là quốc gia giàu nhất châu Phi, tuy nhiên Nam Phi vẫn đối mặt với rất nhiều áp lực xã hội như xoá đói giảm nghèo, tái định cư các khu ổ chuột hay nâng cao mức sống cho người bản địa thuộc các bộ tộc ít người. Nhưng họ đã vẫn chi ra khoản tiền khổng lồ để bảo tồn đa dạng sinh học, mà đặc biệt là bảo tồn các loài động vật quí hiếm…
Ở Nam Phi, ngoài các khu bảo tồn, Vườn quốc gia do Nhà nước tổ chức quản lý và bảo vệ còn rất nhiều các khu bảo tồn tư nhân. Đây là mô hình không mới nhưng kết quả thì hết sức khả quan. Bất cứ cá nhân hay nhóm cá nhân nào đủ tiền đều có thể bỏ tiền ra thuê một khu đất rừng nguyên sinh đủ để bảo tồn.
“Bỏ một đồng, thu một đống”
Một khu bảo tồn tư nhân thường có diện tích từ 7-10.000ha trở lên và các khu bảo tồn tư nhân thường liên kết với nhau để khai thác tối đa hiệu quả sử dụng trên khu vực mình quản lý cũng như tạo ra một sinh cảnh đủ lớn để các loài động vật hoang dã tìm kiếm thức ăn.
Việc Chính phủ Nam phi cho phép tư nhân khai thác bảo tồn đã đem đến hiệu quả rõ rệt như: Khai thác được nguồn vốn tư nhân thúc đẩy bảo tồn, giảm bớt gánh nặng về tài chính trong công tác bảo tồn để tập trung vào các mục tiêu lớn của đất nước như xoá đói giàm nghèo, tái định cư các khu nhà ổ chuột… Mặt khác, mô hình này thúc đẩy ý thức toàn dân cùng tham gia bảo vệ thiên nhiên, đồng thời tạo công ăn việc làm cho chính những người bản địa để học không khai thác tài nguyên rừng, săn bắn các loài động vật hoang dã bừa bãi, dẫn đến mất kiểm soát.
Riêng đối với loài tê giác, vì là tài sản quốc gia nên các khu bảo tồn tự nhân được phép “mượn” con giống để thả vào khu bảo tồn của họ. Sau 5-10 năm, những con non được sinh ra thuộc sở hữu của tư nhân và họ được toàn quyền sử dụng như bán lại cho các khu bảo tồn khác ở trong và ngoài nước để thu hồi vốn, còn con bố mẹ sẽ được trả về các khu bảo tồn của nhà nước để cho các khu bảo tồn khác mượn lại. Đây là một chính sách được xem là hết sức hợp lý nhằm tăng số lượng tê giác để bảo tồn nguồn gen.
Đây là một biện pháp mở hay còn nói rất mở nhưng cũng được quản lý với chế tài chặt chẽ, pháp luật nghiêm minh. Hầu hết các Khu bảo tồn mà chúng tôi tới tham quan đều có sự hợp tác chặt chẽ với người bản địa. Họ buộc phải tạo công ăn việc làm cho những người dân sống quanh khu vực, cho họ một cuộc sống ổn định để họ yên tâm dành hết tâm huyết của mình cho công việc bảo tồn. Mặt khác, chỉ có người bản địa mới hiểu rõ nhất về nơi sinh sống của mình và biết rõ đường đi, hướng di chuyển cũng như số lượng các loài động vật hoang dã… thì khi họ làm công tác bảo vệ sẽ không còn gì có thể tốt hơn. Bên cạnh đó, việc khai thác - bảo tồn của tư nhân bao giờ cũng tốt hơn so với các khu bảo tồn thuộc quản lý nhà nước.
Tiến sỹ Simon Naylor Giám đốc Khu bảo tồn Phinda Private Game Reserve hãnh diện cho chúng tôi biết: “Chúng tôi có 6 khu bảo tồn trên khắp châu Phi và đây là một trong khu bảo tồn tốt nhất của chúng tôi. Kể từ khi thành lập từ năm 1991 đến nay, chúng tôi mới chỉ bị bọn săn trộm bắn chết duy nhất một con tê giác. Tuy nhiên, chúng chưa kịp cắt sừng thì đã bị chúng tôi phát hiện”.
|
|
|
Việc thu hút đầu tư và quản lý chặt chẽ, bảo tồn tốt sẽ đem lại những nguồn lợi khổng lồ. Khách du lịch quốc tế, đặc biệt là khách châu Âu, Nam Mỹ ngày càng ưa chuộng loại hình thăm quan, nghỉ dưỡng tại các khu bảo tồn. Các dịch vụ ở đây bao gồm việc ăn nghỉ tại khách sạn 5 sao giữa hoang mạc, đi xem thú ban ngày, ban đêm, tracking… và các dịch vụ vui chơi giải trí khác. Hầu hết các phòng nghỉ đều được đặt kín quanh năm và có nhiều khách hàng thường xuyên quay lại các khu bảo tồn.
Trách nhiệm với tương lai
Trong quá trình tìm hiểu về các vùng phân bố của các khu bảo tồn ở Nam Phi chúng tôi nhận thấy các khu bảo tồn được trải dài và rộng lớn hàng trăm km2 trên các kiểu địa hình khác nhau mà chủ yếu là rừng sa mạc với một số vùng núi thấp. Thực vật ở đây chủ yếu là trảng cỏ, cây bụi và hầu hết các khu vực bảo tồn trước đây đều là khu vực săn bắn, nguồn sống của các bộ lạc nguời da đen. Tại đây đã hình thành một bản sắc văn hoá, lịch sử lâu đời, nó gắn liền cuộc sống của người dân bản địa với vùng đất này qua nhiều thế hệ. Vì lý do này mà việc bảo tồn đa dạng sinh học chính là sự gắn liền bảo tồn văn hoá bản địa với việc các loài sinh vật nơi đây.
|
|
|
Về góc độ bảo tồn, việc săn bắn có chọn lọc, bền vững sẽ là một trong những biện pháp tốt nhất mà thế giới luôn khuyến khích. Nếu như trong chuỗi mắt xích sinh học ấy cụ thể là loài tê giác bị tuyệt chủng thì sẽ dẫn đến những thảm hoạ khó lường cho nhiều loài khác vì tất cả các loài buộc phải thay đổi để thích nghi với sự biến mất của mắt xích đã gắn kết chúng hàng triệu năm qua.
Cùng với những áp lực không nhỏ từ các tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới, sự quan tâm kịp thời của Chính phủ Nam Phi đối với bảo tồn da dạng sinh học thể hiện tầm nhìn xa và bền vững. Họ không muốn những công dân Nam Phi trong tương lai phải trả giá cho sự trì trệ của họ ngày hôm nay trong việc bảo vệ một di sản lớn lao mà biết bao thế hệ người Nam Phi trước kia đã gìn giữ được cho họ ngày hôm nay…
Việc phá rừng, săn bắt các loài động vật hoang dã ngày càng làm cho việc biến đổi khí hậu gây ra những thảm hoạ khôn lường đối với dân sinh. Mất rừng đồng nghĩa với mất cuộc sống bởi rừng có vai trò quan trọng quyết định trong đẩy lùi sa mạc hoá và điều tiết khí hậu.
|
|
|
|