NƯỚC MẮT TÊ GIÁC Ở NAM PHI - THẢ TÊ GIÁC ĐỂ BẢO TỒN NGUỒN GEN
Phùng Mỹ Trung - WEB ADMIN
Phần I: Chào Nam Phi, đất nước tươi đẹp
Phần II: Săn tê giác để bảo tồn nguồn gen
Phần III: Thả tê giác ở để bảo tồn nguồn gen
Phần IV: Nước mắt tê giác và tội ác của con người
Phần V: Sự mê muội đáng hổ thẹn
Phần cuối: Kinh nghiệm quý của Nam Phi
Phần III: THẢ TÊ GIÁC ĐỂ BẢO TỒN NGUỒN GEN
Sau khi “chăm sóc” các cá thể tê giác đen săn được tại iMoflozi – Khu bảo tồn do nhà nước quản lý, chúng tôi chuẩn bị cho lộ trình quay ngược trở lại Nambiti để thả những vị khách to lớn này về khu sinh cảnh mới.
Trên đường đến Nambiti, chúng tôi có dịp ghé thăm một trạm Kiểm lâm của Khu bảo tồn Imflozi nằm giữa sa mạc rộng lớn. Trạm trưởng Ian Pollard dẫn chúng tôi đi thăm khuôn viên Trạm và nơi lưu giữ các phương tiện hành nghề của bọn săn trộm thú mà các anh đã thu gom trong suốt 10 năm qua. Mỗi lần chỉ vào những vết đạn trên hộp sọ một con tê giác bị giết, ánh mắt anh hiện lên những nét buồn u uất trước số phận của loài thú cổ đại và hiền lành được người dân Nam Phi coi như biểu tượng quốc gia này.
Ở Nam Phi, mức lương 2000USD/tháng đối với một kiểm lâm không phải là mức thu nhập cao so với sự cực khổ và nguy hiểm đến tính mạng của họ. Tuy nhiên, khi nói về công việc của mình, trong ánh mắt những nhân viên kiểm lâm Nam Phi đều ánh lên niềm tự hào và hãnh diện. Với họ, nghề Kiểm lâm rất đặc biệt vì họ được sống trên vùng đất của tổ tiên Zulu của mình và bảo vệ những loài động vật hoang dã đã nuôi sống bao thế hệ tộc người Zulu nơi đây.
Săn ngược…
Sau hơn 3 giờ chạy xe, chúng tôi đến khu vực bãi thả tê giác khi trời đã nhá nhem tối. Cái lạnh của trời đêm sa mạc ập đến rất nhanh ngay sau khi tia nắng cuối cùng tắt lịm. Hôm nay, tất cả các khách du lịch của khu bảo tồn tư nhân đều được chứng kiến một sự kiện trọng đại: Những con tê giác đen được thả vào khu vực bảo tồn.
Hai vị khách mời đặc biệt của sự kiện này là vợ chồng Tộc trưởng của bộ lạc Zulu, đại diện cho nhân đân tới chứng kiến. Mọi người tập trung tại một khu đất trống để chứng kiến giây phút hiếm có này. Trong lúc những vị khách đến từ Đông Nam Á co ro vì thời tiết quá lạnh. Chiếc xe chuyên dụng chở những con tê giác mới được “chăm sóc” lúc chiều từ từ tiến vào và bắt đầu qui trình ngược với qui trình đi săn.
Thả tê giác là một công việc khó khăn và nguy hiểm, vì tê giác đen nặng hàng tấn, rất hung hăng và dễ bị kích động hơn tê giác trắng. Hơn nữa sau khi bị bắt bằng bắn thuốc mê và nhốt vào chiếc chuồng sắt đặc chủng để di chuyển hàng trăm kilomet, nó sẽ càng hung tợn hơn.
Tất cả diễn ra hết sức khẩn trương. Sau khi chích thuốc mê cho con tê giác từ trong thùng xe, các nhân viên bảo tồn có 2 phút để mở cửa thùng xe trong khi con tê giác to lớn đang lồng lộn vì chưa ngấm thuốc. Các chuyên gia thú y tính toán chính xác đến từng giây, khi con tê giác vừa bước ra khỏi thùng xe khoảng 10 bước nó phải ngấm thuốc mê. Một sợi dây thừng đủ chắc buộc vào chân sau con tê giác và 2 sợi giây thừng trước ngực nó với 5 đến 6 nhân viên kiểm lâm mỗi bên ghìm nó lại để phòng trường hợp bất trắc, nó không thể thoát ra ngoài được. Người xem phải đứng cách xa 20m phía sau vòng bảo vệ của các nhân viên bảo tồn đang sẵn sàng ứng phó khi có bất trắc.
Đây có thể là lần thả tê giác thứ 1001 của các nhân viên bảo tồn tê giác Nam Phi nên mọi chuyện diễn ra suôn sẻ như dự tính. Theo phong tục của người Zulu, nếu được chạm tay vào người con tê giác đen còn sống sẽ gặp may mắn và hạnh phúc. Vì thế, khi được thông báo có thể lại gần con tê giác, mọi người trật tự tiến lại gần để được chạm tay lên tấm da dày sù sì, ấm nóng và chiếc sừng kiêu hãnh của con tê giác.
Sự cố lúc tảng sáng
Chúng tôi trở về nhà nghỉ trong cái lạnh 10 độ vào lúc 2 giờ sáng. Bữa tiệc buffet của nhà hàng dọn ra từ buổi tối đã nguội ngắt nhưng mọi người vẫn vui vẻ thưởng thức cùng một chút rượu đặc sản của người Zulu bản địa để mừng chuyến săn, thả tê giác thành công tốt đẹp.
Tảng sáng, khi đang ngon giấc sau một ngày dài mệt nhọc, chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng xe cộ gầm rú và tiếng người gọi nhau í ới. Đồng hồ chỉ 5 giờ sáng. Tôi bật dậy và chạy ra khỏi căn lều bạt thì được nhân viên bảo tồn Simon báo là có một con tê giác đen được thả đã vượt qua khỏi hàng rào điện của Khu bảo tồn và chạy ra khu dân cư. Tôi vơ vội chiếc máy ảnh và khoác áo ấm lên người rồi nhảy lên xe của Simon. Chiếc xe lao đi vun vút. Bộ đàm trên xe nhận được tín hiệu từ một máy bộ đàm khác thông báo rằng con tê giác bị xổng là một con đực rất khoẻ. Hiện nó đang ở cách khu bảo tồn khoảng 20km. Tín hiệu từ con chip gắn trên sừng của nó báo hiệu đường đi chính xác trên máy dịnh vị cầm tay của Simon.
Khi chúng tôi đến nơi, trời đã sáng rõ nên tất cả mọi người đều nhìn thấy nó đang chạy thục mạng giữa cánh đồng. Các nhân viên bảo tồn phóng xe theo con tê giác để chặn đầu, giữ khoảng cách với nó khoảng 50m để đảm bảo an toàn.
Cuối cùng, con vật được dồn đến một cánh đồng cỏ khô chăn thả gia súc. Con tê giác đen lao vào tấn công đàn gia súc chạy toán loạn. Những cơn gió sớm của thảo nguyên thổi nhẹ. Mọi người giữ im lặng đợi con tê giác bình tĩnh lại và gọi cho máy bay trực thăng đến để bắn thuốc mê.
Ấn tượng đẹp ở Nam Phi
Trong lúc bị trực thăng dồn vào khu vực mà xe chuyên dụng có thể di chuyển được, con tê giác đen liều mình phóng ra đường cao tốc rồi đột nhiên, nó đứng lại giữa đường như thách thức tất cả. Các nhân viên bảo tồn chia thành hai tốp, đứng ở hai đầu đường cao tốc ra hiệu cho các xe tải dừng lại. Thật kỳ diệu, tất cả những chiếc ôtô lớn, nhỏ lập tức dừng lại khi nhận được tín hiệu của nhân viên bảo tồn. Họ đồng loạt tắt máy xe để không gây tiếng ồn làm con tê giác thêm phấn khích. Hàng xe từ hai phía đường cao tốc đã kéo dài hàng kilomet theo trật tự mặc dù không có sự can thiệp của cảnh sát giao thông. Họ kiên nhẫn ngồi trên xe đợi các nhân viên bảo tồn thực hiện công việc của mình.
Đặc biệt hơn, một đoàn xe lửa dài gần 50 toa cũng dừng lại ngay khi nhận được tín hiệu. Đối với chúng tôi, điều này kỳ diệu đến kinh ngạc bởi ở Việt Nam, những nhân viên bảo tồn chưa có quyền được dừng bất kỳ phương tiện giao thông nào khi thi hành công vụ.
Những tài xế Nam Phi không ca thán, không bóp còi…, không biểu lộ bất cứ hành động gì làm kinh động đến con tê giác đen hung hãn. Cuối cùng, con tê giác cứng đầu chịu khuất phục sau một phát súng thuốc mê. Các nhân viên bảo tồn quyết định thả nó vào Boma – một loại chuồng rất rộng xây bán hoang dã ở giữa khu bảo tồn để nuôi nhốt những con vật hoang dã hung hãn hoặc những con thú con mà cha, mẹ chúng bị giết chết khi nó chưa thể tự tìm kiếm thức ăn. Sống trong Boma một thời gian, chúng sẽ dần quen với điều kiện sinh cảnh sống mới trước khi được thả về nơi hoang dã.
Trên đường trở về, tràn ngập trong tôi là sự mến phục với những người dân Nam Phi, đặc biệt là những tài xế xe tải, xe lửa… Tình yêu cũng như ý thức của họ dành cho việc bảo tồn loài linh vật biểu tượng quốc gia Nam Phi thật đáng cảm phục.
Box:
Theo số liệu báo cáo mới nhất của Tổ chức Traffic: “Hiện nay, Nam Phi đang bảo tồn 18.800 con tê giác trắng Ceratotherium simum, chiếm 95% lượng cá thể tê giác trên toàn châu Phi. Đây là loài đang nằm trong sách đỏ của IUCN, thuộc Nhóm gần nguy cấp. Tuy nhiên, thảm họa săn trộm tê giác ở Nam Phi đang dần xóa sổ quần thể tê giác đen Diceros bicornis tại đây.
Vào những năm 1960, số lượng tê giác đen của Nam Phi có khoảng 100.000 con. Đến năm 1995, sau những đợt càn quét thảm khốc của tội phạm săn trộm tê giác, tổng số cá thể tê giác đen chỉ còn vỏn vẹn 2.410 con. Hơn 10 năm qua, với những nỗ lực bảo tồn của Chính phủ Nam Phi và các tổ chức quốc tế, số cá thể tê giác đen đã tăng đáng kể (khoảng 5.000 con vào năm 2013).
|
|