Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU ĐỘNG VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Nuốc đuôi hồng
Tên Latin: Harpactes wardi
Họ: Nuốc Trogonidae
Bộ: Nuốc Trogoniformes 
Lớp (nhóm): Chim  
       
 Hình: Karen Phillipps  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    NUỐC ĐUÔI HỒNG

NUỐC ĐUÔI HỒNG

Harpactes wardi (Kinner, 1927)

Pyrotrogon wardi Kinner, 1927

Họ: Nuốc Trogonidae

Bộ: Nuốc Trogoniformes

Đặc điểm nhận dạng:

Chiều dài thân: 38cm. Mỏ đỏ, trán đỏ hồng ở con đực, và màu vàng chanh ở con cái, đây là đặc điểm sai khác rõ rệt nhất khi so sánh với 2 loài nuốc khác cùng giống thường gặp ở Việt Nam. Đồng thời màu lông phía dưới cơ thể từ ngực đến dưới đuôi hồng nhạt ở con đực và vàng chanh nhạt ở con cái. Trên đuôi của con đực có màu nâu tối (xem hình vẽ).

Sinh học, sinh thái:

Nuốc đuôi hồng sống định cư, không phổ biến, gặp ở các vùng rừng thường xanh cây lá rộng, kiếm ăn dưới tán thấp, hay ở ngay trên mặt đất, chỗ có tre nứa, rừng cây cao. Vùng cư trú thích hợp là những khu rừng phân bố trên độ cao từ khoảng 1.500 đến 3.200m. Tuy nhiên, trong mùa đông khi nhiệt độ xuống thấp, đôi khi chúng có thể di chuyển lên xuống theo độ cao, tại một số vùng có thể gặp chúng bay xuống thấp tới 1.220m (6, 7, 79). Mùa làm tổ từ tháng 4 đến tháng 5 hàng năm.

Phân bố:

Trong nước: Lào Cai, Lai Châu (vùng núi cao Hoàng Liên Sơn)

Thế giới: Butan, Ấn Độ, Trung Quốc, Mianma.

Giá trị:

Loài chim đẹp, nguồn gen quý hiếm, bị đe doạ tuyệt chủng ở khu vực, trên thế giới và Việt Nam.

Tình trạng:

Cho đến nay chưa tìm thấy lại trong ranh giới các vùng phân bố ở nước ta, cụ thể là trong các khu bảo tồn thiên nhiên và Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn - Lai Châu, Hoàng Liên Sơn -Sa Pa (Lao Cai) và Hoàng Liên Sơn -Văn Bàn (Lao Cai). Tuy nhiên, cần tiến hành điều tra nghiên cứu đầy đủ hơn trong các khu vực nói trên, nhất là trong những khu vực rừng nằm trên các đai độ cao khác nhau. Mối đe doạ chính là do tình trạng rừng bị chặt phá, bị phát quang tại phần lớn vùng phân bố của chúng, đặc biệt là tình trạng khai thác gỗ và tập quán săn bắt chim thú rừng, du canh du cư của các dân tộc ít người sinh sống trên các vùng núi cao Hoàng Liên Sơn như người H'mông, người Mán.

Phân hạng: CR A1a,c,d C2a D

Biện pháp bảo vệ:

Sách Đỏ Chim  Châu Á (2001), bậc NT (sắp bị đe dọa). Cần tiếp tục điều tra nghiên cứu để phát hiện và thu thập thêm các số liệu về hiện trạng, số lượng và vùng cư trú hiện nay của chúng, nhất trên các đai cao của dãy Hoàng Liên Sơn thuộc địa bàn của 2 tỉnh Lào Cai và Sơn La và ngay cả vùng núi Tây Côn Lĩnh thuộc tỉnh Hà Giang. Tiếp tục xây dựng, củng cố và tăng cường công tác quản lí bảo vệ rừng và đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn đã có và mới đề xuất thuộc dãy Hoàng Liên Sơn và vùng lân cận. Tuyên truyền giáo dục và giúp đỡ các cộng đồng dân tộc sinh sống trong vùng thay đổi tập quán sản xuất và giảm thiểu tình trạng săn bắt động vật hoang dã vì mục đích làm thực phẩm.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 282.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Nuốc đuôi hồng

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này