Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU ĐỘNG VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Cóc mắt trường sơn
Tên Latin: Xenophrys truongsonensis
Họ: Ếch nhái Ranidae
Bộ: Không đuôi Anura 
Lớp (nhóm): Lưỡng cư  
       
 Hình: Phùng Mỹ Trung  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    CÓC MẮT TRƯỜNG SƠN

CÓC MẮT TRƯỜNG SƠN

Xenophrys truongsonensis Luong et al., 2022

Họ: Ếch nhái Ranidae

Bộ: Không đuôi Anura

Đặc điểm nhận dạng:

Loài lưỡng cư có kích thước tương đối lớn, chiều dài từ mút mõm đến lỗ huyệt 58.8 - 71.4 mm ở con đực và 65.6 - 87.3 mm ở con cái. Đầu rộng hơn dài. Mõm xiên cụt ở chính diện, mút mõm nhô khỏi hàm dưới. Màng nhĩ nhỏ, rõ, hình bầu dục. Riềm ra chạy từ sau mắt qua màng nhĩ và kết thúc ở một mấu dày trên cẳng chân trước. Chân sau dài, có màng thô và hẹp giữa các ngón (bốn đốt của ngón thứ tư không màng), riềm da mặt bên chạy dọc đến đầu ngón. Củ bàn khớp của chân trước và sau tiêu biến và được thay thế bằng những riềm da mỏng dưới ngón. Củ bàn chân trong dẹp, củ bàn chân ngoài tiêu biến. Mặt lưng của thân có nổi hột mờ, một cặp riềm lưng bên và một riềm hình chữ X ở sau đầu chính giữa lưng. Một vài riềm không hoàn thiện chạy dọc các chân. Mí mắt trên có nốt sần nhọn nhỏ, rõ. Lưng eo chi chít nốt sần nhỏ. Mặt dưới của thân và của chân mịn. Có những cặp tuyến trắng trên ngực và đùi. Con đực không có gai mu ngón và túi kêu.

Xenophrys truongsonensis trước đây bị nhầm lẫn với loài Xenophrys maosonensis nhưng chúng khác nhau bởi hông có nốt sần nhỏ và đốm trắng nhỏ (so với có nốt sần lớn và đốm trắng lớn hơn ở Xenophrys maosonensis) Trong tự nhiên, mặt lưng của đầu và thân màu nâu hoặc nâu xám, có hoa văn đối xứng màu nâu đậm hơn nhưng viền sáng hơn, có một đốm hình tam giác giữa các mắt và một hoặc ít hơn hoa văn hình đồng hồ cát hoàn chỉnh giữa vai. Mặt bên của đầu có một vằn đậm ở mút mõm và trải rộng trên mũi, má, thái dương đến vai. Một sọc trắng đứt đoạn chạy từ sau mũi đến dưới màng nhĩ. Các chân màu nâu có vằn ngang màu nâu đậm, phía trước đùi màu nâu cam. Họng và ngực màu nâu tím, có đốm trắng viền thâm ở ngực. Bụng và mặt bụng của chân màu vàng trứng/ Háng màu nâu đỏ cam. Loài cóc này có màng bơi màu nâu và đầu ngón chân màu xám sáng. Đồng tử màu đồng ở trên và nâu ở dưới.

Sinh học, sinh thái:

Sống trong rừng thường xanh thứ sinh hỗn giao cây gỗ trung bình và nhỏ với cây bụi ở độ cao 630 m đến 1.605 m. Nòng nọc dáng thon dài, cơ bắp đuôi khoẻ nhưng ít vảy. Miệng của chúng có đĩa tán bầu dục hướng lên trên. Chúng không có cấu trúc răng keratin hoá ở hàm. Chúng ăn thực vật phù du trong suối.

Phân bố:

Trong nước: Dak Lak, Dak Nông, Kontum, Lâm Đồng, Ninh Thuận. Quảng Nam và Thừa Thiên Huế của Việt Nam.

Nước ngoài: Champasak và Sekong của Lào.

 

Mô tả loài: Nguyễn Quảng Trường, Phạm Thế Cường, Phùng Mỹ Trung - WebAdmin.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Cóc mắt trường sơn

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này