CÁ KÈN TRUNG QUỐC
CÁ
KÈN TRUNG QUỐC
Aulostomus chinensis
(Linnaeus, 1766)
Fistularia chinensis
Linnaeus, 1766
Polyterichthys valentini
Bleeker, 1853
Aulostoma valentini
Steindachner, 1906.
Họ: Cá kèn Aulostomidae
Bộ: Cá có giáp Gasterosteiformes
Đặc điểm nhận dạng:
Thân dài, hơi dẹp bên. đầu dài, mõm dạng ống dài, miệng nhỏ ở mút mõm. Vây lưng
thứ hai và vây hậu môn gần như đối xứng qua trục thân, vây đuôi lồi tròn. Con
trưởng thành có màu sắc thay đổi, thường có màu vàng xanh hoặc nâu đỏ với các
sọc dọc màu nhạt hơn. Chiều dài lớn nhất đến 80cm. Có thể sống đến độ sâu 120m.
Sinh học, sinh thái:
Sống trong các rạn san hô và rong biển. Bắt cá con và giáp xác nhỏ bằng cách hút
con mồi vào miệng qua ống mõm dài.
Phân bố:
Trong nước: Các rạn san hô Cù Lao
Chàm (Quảng Nam) và vịnh Nha Trang (Khánh Hòa).
Thế giới: Nhật Bản, Trung Quốc,
Đài Loan, Philippin, Indonesia, Ôxtrâylia.
Giá trị:
Không có giá trị thực phẩm nhưng có thể nuôi làm cảnh vì màu sắc của chúng rất
đẹp.
Tình trạng:
Trước năm 1995 thỉnh thoảng có gặp ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và Hòn Mun (trong
vịnh Nha Trang). Diện tích phân bố dưới 5000km2. Nhưng vài năm trở
lại đây hầu như không gặp lại nữa. Rất hiếm. Nguyên nhân có thể là do săn bắt
tích cực để bán cho các Aquarium, việc khai thác nguồn lợi cá và san hô bằng
chất nổ và hóa chất làm mất chỗ trú ẩn và ô nhiễm môi trường đã làm suy giảm
nguồn lợi.
Phân hạng: EN
A1 B2b+3c.
Biện pháp bảo vệ:
Phải được đưa vào danh sách các loài cá cần được bảo vệ của ngành Thủy sản. Kiến
nghị: cấm đánh bắt và buôn bán loài cá này để bán cho các Aquarium.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 31.