New Page 1
CÁ
MĂNG GIẢ
Luciocyprinus langsoni
Vaillant, 1904
Futis
vivus
Lin, 1932
Barbus
normani
Tchang, 1935.
Họ: Cá chép Cyprinidae
Bộ: Cá chép Cypriniformes
Đặc điểm nhận dạng:
Thân dài, có dạng hình ống
tròn, phía sau dẹp bên.
Đầu dài
mõm hơi nhọn. Miệng ở mút mõm, hướng trước rất rộng. Hàm trên dài hơn hàm dưới
một ít. Hàm trên có lỗ khuyết nhỏ để khớp với chỗ đột của hàm dưới. Mắt lớn. Vây
lưng có khởi điểm trước khởi điểm vây bụng một ít, tia vây lưng không cứng và
trơn. Vây ngực và vây bụng ngắn chưa tới gốc vây sau nó. Vây đuôi phân thuỳ sâu.
Hậu môn ở ngay trước vây hậu môn. Vẩy nhỏ và nhiều.
Đường bên hoàn toàn, nằm ở giữa thân. Thân màu xám, gần đuôi có một sọc đen đậm.
Sinh học, sinh thái:
Cá Măng giả thuộc loài cá
dữ. Thức ăn chính là động vật không xương sống ở dưới nước. Cá có kích thước
lớn, cỡ khai thác thường là 1 - 2kg, có con tới 10kg. Cá thành thục sinh dục sau
3 năm tuổi. Mùa sinh sản vào tháng 3 - 4. Bãi cá đẻ là nơi nước chảy xiết ở ven
sông Kỳ Cùng.
Phân bố:
Trong nước:
Lạng Sơn (sông Kỳ Cùng).
Thế giới:
Trung Quốc (Quế Châu - Quảng Tây và Nậm Pàn - Vân Nam).
Giá trị:
Cá măng giả là loài phân
bố hẹp ở sông Kỳ Cùng, tỉnh Lạng Sơn. Cá có kích thước lớn, thịt thơm ngon,
thuộc loài quý hiếm, ít gặp.
Tình
trạng:
Loài cá
này được Vaillant mô tả năm 1904 ở sông Kỳ Cùng, Lạng Sơn và được Mai Đình Yên
mô tả lại năm 1978. Từ đó đến nay không có công trình này nghiên cứu thêm.
Khoảng 10 năm trở lại đây, không còn thấy Cá măng ở sông Kỳ Cùng thuộc vùng thị
xã Lạng Sơn do đánh bắt quá mức và việc thải chất độc của mỏ Na Dương xuống
sông. Tuy nhiên có một số thông tin cho biết ở khúc sông Kỳ Cùng thuộc vùng Na
Sầm, Đình Đô, thị trấn Thất Khê, Lạng Sơn vẫn còn loài cá này.
Phân hạng:
CR A1c,d,e B1+2,b,c,d
Biện pháp bảo vệ:
Cá đã được đưa vào Sách Đỏ
Việt Nam (1992, 2000) với mức độ đe doạ bậc V và danh sách các loài cá cần được
bảo vệ của ngành Thuỷ sản từ năm 1996. Tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa có biện
pháp bảo vệ và phục hồi ở các khu vực cư trú quan trọng của loài. Cần cấm đánh
bắt loài cá này trong 5 năm liên tục, chống ô nhiễm của nguồn nước thải khu mỏ
Na Dương. Cần nghiên cứu sinh học của loài cá này kỹ hơn, khoanh vùng các bãi
đẻ, vùng cá con sinh sống, các vùng cần thiết bảo vệ làm cơ sở cho việc xây dựng
quy chế bảo vệ và sử dụng hợp lý. Cần sớm nghiên cứu tạo nguồn cá giống bổ sung
nguồn lợi cá này ở tự nhiên.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 31.