Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU ĐỘNG VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Cá chình nhọn
Tên Latin: Anguilla borneensis
Họ: Cá chình Anguillidae
Bộ: Cá chình Anguilliformes 
Lớp (nhóm): Cá biển  
       
 Hình: Internet  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    CÁ CHÌNH NHỌN

CÁ CHÌNH NHỌN

Anguilla borneensis Popta, 1924

Họ: Cá chình Anguillidae

Bộ: Cá chình Anguilliformes

Đặc điểm nhận dạng:

Cá cỡ trung bình thân thuôn dài, dạng rắn. Mõm nhọn. Miệng khá rộng. Rạch miệng kéo dài gần tới viền sau mắt. Chiều dài đầu nhỏ hơn từ khe mang tới hậu môn. Bề ngang gốc mõm lớn hơn chiều dài mõm. Môi dưới dài hơn môi trên một ít. Răng trên xương gian hàm và xương lá mía tạo thành một dải rộng ở phía trước, hẹp dần về phía sau và kết thúc trước hai dải răng trên xương hàm một ít. Mắt tương đối lớn, nằm cao ở hai bên đầu. Khoảng cách giữa hai mắt rất rộng. Đỉnh đầu rộng và phẳng. Vây lưng có khởi điểm trước khởi điểm vây hậu môn khá xa, khoảng cách từ đó tới khởi điểm vây hậu môn gần bằng chiều dài đầu. Vây ngực trung bình. Gốc vây lưng và vây hậu môn dài, nối liền với vây đuôi. Vây bụng thiếu. Hậu môn nằm sát gốc vây hậu môn. Mặt lưng có màu xám tro, mặt bụng vàng nhạt. Trên thân không có vân. Vây lưng phía trước màu sẫm. Phía sau vây lưng, vây hậu môn và vây đuôi có màu vàng nhạt ở phía trong, còn màu đen ở viền ngoài.

Sinh học, sinh thái:

Cá có kích thước bình thường chiều dài từ 60 - 90cm, cỡ lớn nhất dài trên 1m. Cá chình nhọn thuộc loại cá dữ. Thức ăn thường là động vật không xương sống, động vật đáy và cá con. Cá sống ở nước ngọt nhưng đến khi thành thục sinh dục di cư ra biển sâu để sinh sản. Trứng nở thành ấu trùng dạng lá liễu và nhờ dòng hải lưu, sóng biển đưa cá từ biển khơi vào ven bờ. Sau khi biến thái nhiều lần ấu trùng dạng lá thành Cá chình con di chuyển vào các vùng nước nội địa để sinh sống.

Phân bố:

Trong nước: Bình Định (đầm Châu Trúc, huyện Phù Mỹ).

Thế giới: Inđônêxia (Borneo).

Giá trị:

Có giá trị thương mại cao. Cá có thịt thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao được dân địa phương và thị trường ưa thích. Cá có giá trị kinh tế cao và là mặt hàng xuất khẩu.

Tình trạng:

Cá chình nhọn có số lượng và sản lượng thấp hơn các loài Cá chình khác ở Nam Trung Bộ. Sản lượng cá này ngày càng giảm nghiêm trọng do nơi sinh sống bị thu hẹp trên 20% và bị chia cắt, do bồi lắng và việc chuyển đổi chế độ canh tác nông nghiệp vùng quanh đầm hồ. Mặt khác, do thịt ngon giá cao nên cá bị săn bắt nhiều.

Phân hạng: VU A1c,d B1+2a,b D2.

Biện pháp bảo vệ:

Đã được đưa vào danh sách các loài cần bảo vệ của ngành Thuỷ sản trước năm 1996. Tuy nhiên chưa có các quy chế khai thác và bảo vệ loài cá này. Cần giảm cường độ khai thác Cá chình nhọn ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Cần điều tra kỹ hơn về loài cá này để có đủ cơ sở khoa học xây dựng quy chế bảo vệ và khai thác hợp lý.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 31.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Cá chình nhọn

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này