CÁ LỢ THÂN CAO
CÁ LỢ THÂN CAO
Cyprinus hyperdorsalis
Hao, 1991
Họ: Cá chép Cyprinidae
Bộ: Cá chép Cypriniformes
Đặc
điểm nhận dạng:
Cá cỡ
trung bình,
chiều dài đầu bằng 2,86 - 3,62 lần đường kính mắt, bằng 2,26 - 2,93 lần
khoảng cách 2 mắt. Thân cao, trước vây lưng gồ rất cao tạo thành góc, dẹp
bên và phần lưng mỏng hơn phần bụng.
Miệng dưới hoặc
kề dưới, rạch kéo dài đến ngang giữa mũi và viền trước mắt. Mắt vừa phải. Khoảng
cách 2 mắt rộng, hơi gồ lên. Có 2 đôi râu gần bằng nhau và lớn hơn đường kính
mắt. Vây lưng có khởi điểm trước khởi điểm vây bụng, gần mõm hơn gốc vây đuôi.
Hậu môn ở sát gốc
vây hậu môn. Tia cứng cuối của vây lưng và vây hậu môn hoá xương và phía sau
có răng cưa khoẻ. Vây đuôi phân thuỳ sâu. Vẩy tròn mỏng. Đường bên hoàn toàn,
chạy giữa thân. Lưng xám, bụng nhạt hoặc trắng nhạt. Trên thân có 13 sọc sẫm
chạy dọc thân, từ sau nắp mang theo mép vẩy đến gốc vây đuôi, xen giữa là các
vệt nhạt rất đặc biệt. Các vây xám nhạt.
Sinh học, sinh
thái:
Cá sống ở các
sông suối nước chảy, tầng đáy. Ăn sinh vật đáy, động vật không xương sống và mùn
bã hữu cơ. Cá đánh bắt có kích thước trung bình từ 0,4 - 1kg, cỡ lớn nhất đến
3kg. Mùa sinh sản của cá vào tháng 4 - 6. Trứng cá đẻ ra dính trên các giá thể
chìm trong nước. Bãi đẻ là các làn bãi ven sông suối có nhiều cỏ nước và rong
rêu. Các đặc điểm khác của cá này còn ít được nghiên cứu.
Phân bố:
Trong nước:
Các sông suối thuộc hệ thống sông Đà thuộc Sơn La (Tạ Khoa -Yên Châu) và Hoà
Bình (Vạn Yên, Suối Rút - Đà Bắc).
Thế giới:
Chỉ thấy có ở Việt Nam.
Giá trị:
Là loài
đặc hữu của Việt Nam và loài cá quý hiếm ở sông Đà. Cá có thịt thơm ngon,
được nhân dân địa phương ưa thích nhưng sản lượng thấp, phân bố hẹp, giá trị
kinh tế bị hạn chế.
Tình trạng:
Nơi sống của cá
bị thay đổi, toàn bộ vùng phân bố cũ đã nằm gọn trong vùng hồ Hoà Bình. Từ năm
1990, không còn thấy loài cá này. Có thể nó đã
bị tuyệt chủng hoặc đã di chuyển vào các suối nhỏ ven hồ nhưng số lượng còn
không đáng kể. Cá thuộc loại quý hiếm cần bảo vệ.
Phân hạng:
EN A1c,b B1+2b,c.
Biện pháp bảo vệ:
Đã được đưa vào
danh sách các loài cá cần bảo vệ của ngành Thuỷ sản năm 1996. Tuy nhiên cho tới
nay chưa có các quy định cụ thể để bảo vệ loài cá này. Cần nghiên cứu ở những
vùng phân bố trước đây để xác định loài cá này còn hay mất và mức độ hiện nay để
có biện pháp bảo tồn, lưu giữ. Trước mắt cần thu thập cá này ở tự nhiên về nuôi
dưỡng, cho đẻ và tạo giống, bổ sung số lượng ở những nơi có điều kiện, lưu giữ
nguồn gen và lai tạo với các loài Cá chép khác trong giống Cyprinus để
nâng cao hiệu quả kinh tế của loài cá này.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 31.