Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU ĐỘNG VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Cá chuối hoa
Tên Latin: Channa maculata
Họ: Cá quả Channidae
Bộ: Cá vược Perciformes 
Lớp (nhóm): Cá biển  
       
 Hình: Internet  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    CÁ CHUỐI HOA

CÁ CHUỐI HOA

Channa maculata (Lacépède, 1802)

Bostrychus maculatus Lacépède, 1802

Ophiocephalus maculatus Cuvier & Valenciennes, 1831

Ophiocephalus lucius Koller, 1924.

Họ: Cá chuối Channidae

Bộ Cá vược Perciformes

Đặc điển nhận dạng:

Cá có cỡ trung bình, thân trụ tròn dài, phần sau dẹp bên. Đầu dài nhọn. Miệng rất lớn, rạch xiên kéo dài quá viền sau mắt. Trên hai hàm, xương lá mía và xương khẩu cái đều có răng nhỏ. Mũi nhọn dài, mỗi bên đầu có 2 lỗ mũi. Hai bên má có hệ thống lỗ nhỏ, sắp xếp theo quy luật. Mắt lớn, khoảng cách 2 mắt rộng, hơi lồi. Vây lưng và vây hậu môn rất dài và đều là tia mềm không nối liền với vây đuôi. Vây ngực tròn, vây bụng bé. Đỉnh đầu có vảy hình tấm tương đối bé. Đường bên gián đoạn. Cá màu xám nâu, xen kẽ các vạch chấm đen. Dọc thân có hai hàng chấm đen. Gốc vây lưng có 1 hàng chấm đen lớn. Đầu có 1 vạch đen gãy khúc chạy từ mắt đến gốc vây lưng. Trên các vây phần lớn chấm đen xếp thành hàng.

Sinh học, sinh thái:

Sống ở các sông ngòi, ao hồ, đồng ruộng ngập nước, nơi có nhiều thực vật thủy sinh. Về mùa rét cá dễ bị nhiễm bệnh nấm có thể lây lan thành dịch bệnh làm chết hàng loạt. Cá có thể sống ở các vùng nước có hàm lượng oxy thấp nhờ có cơ quan hô hấp phụ. Cá chuối hoa là loài cá dữ điển hình, ăn nhiều cá con, ếch nhái, tôm cua, côn trùng và ấu trùng... Cá sinh trưởng nhanh, 1 tuổi đạt 0,5kg; 2 tuổi đạt 1,2 - 1,5kg; 3 tuổi đạt 1,8 - 2,5kg; 4 tuổi đạt 3,5 - 4kg; lớn nhất có thể đạt tới 10 - 12kg/con. Cá thành thục vào năm thứ 2. Mùa sinh sản từ tháng 5 - 10, tuỳ theo vùng có thể sớm hoặc muộn hơn. Đến mùa sinh sản cá thường sống từng đôi, làm tổ ở các vùng gần bờ ao, đầm, hồ, ruộng nước, sông ngòi. Chúng thường dọn sạch các cây cối thuỷ sinh tạo thành khoảng trống, mặt thoáng với độ rộng từ 0,4 - 0,6m2 để đẻ trứng vào đó. Trứng nổi trên mặt nước và dính lại với nhau thành đám. Cá đực và cá cái quanh quẩn gần tổ để bảo vệ trứng và chăm sóc con cái đến khi cá con tự kiếm ăn và tránh được kẻ thù. Cá đẻ thành nhiều đợt trong mùa đẻ, mỗi đợt từ 5.000 - 30.000 trứng, tuỳ theo kích thước của cá cái.

Phân bố:

Trong nước: Các tỉnh phía Bắc cho tới Thanh Hoá (Nguyễn Thái Tự, 1983).

Thế giới: Trung Quốc.

Giá trị:

Loài cá quí, hiếm mặc dù sản lượng cá tự nhiên ở đồng bằng Bắc bộ khá cao, kể cả vùng nước lợ ven biển. Cá có triển vọng là đối tượng nuôi xuất khẩu.

Tình trạng:

Khoảng 10 - 15 năm gần đây sản lượng cá giảm sút nghiêm trọng, số lượng cá trưởng thành ước tính giảm tới trên 80%. Nhiều vùng Cá chuối hoa trở nên khan hiếm, có thể coi như không còn. Nguyên nhân chính là nơi cư trú bị chia cắt, có biến đổi lớn, thu hẹp trên 50% do xây dựng các công trình thủy lợi, thay đổi chế độ canh tác trên đồng ruộng như trồng các cây ngắn ngày, tưới tiêu khoa học, phun thuốc trừ sâu, bị đánh bắt quá mức nhất là vào mùa sinh sản. Mặt khác, nhiều năm liên tiếp cá bị bệnh lở loét, lan truyền nhanh thành dịch, làm chết hàng loạt.

Phân hạng: EN A1c,d.

Biện pháp bảo vệ:

Đã được đưa vào danh sách các loài cần bảo vệ của ngành Thủy sản từ năm 1996. Tuy nhiên chưa có quy chế khai thác và bảo vệ loài cá này. Cần giảm cường độ khai thác Cá chuối hoa ở vùng đồng bằng và ven biển. Giảm việc dùng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp, chống ô nhiễm các vực nước. Cần nghiên cứu kỹ hơn loài cá này, tạo nguồn giống cung cấp cho các vùng nuôi và phục hồi tái tạo nguồn lợi tự nhiên.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 31.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Cá chuối hoa

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này