New Page 1
CHIM ÁC LÀ
Pica pica
(Liunacus, 1758)
Pica sericea
Gould, 1845.
Họ: Quạ Corvidae
Bộ: Sẻ Passeriformes
Đặc điểm nhận dạng:
Chim trưởng thành ở vai,
sườn, bụng trên và hông trắng. Đầu, cổ, lưng, trên đuôi, đuôi, cằm, họng, ngực
bụng dưới, đùi và dưới đuôi đen. Đầu, ngực và lưng có ánh tím mờ. Đuôi có ánh
tím. Lông bao cánh và lông cánh thứ cấp đen, lông cánh sơ cấp có phiến ngoài,
mút và dải hẹp của mép phiến trong đen, phần chính của phiến trong màu trắng khi
chim bay trông rõ. Chim càng già phần trắng của các lông cánh sơ cấp càng rộng.
Mắt nâu thẫm, mỏ và giò đen.
Sinh học, sinh thái:
Mùa sinh sản từ tháng 2 - 6. Tổ hình cầu, được làm khá công phu, có cửa ra vào
cạnh một bên và đặt trên các chạc cành và ngọn cây cao như: gạo, đa, tre. Nguyên
liệu làm tổ là các loại que, cành cây to nhỏ ken lẫn nhau. Có cành đường kính
tới 1cm, trong được lót lớp mỏng bằng các loại lông chim, gà, vịt... Mỗi lứa đẻ
4 - 5 trứng hình bầu dục hơi tròn, màu trắng đục. Vùng núi và trung du thường
gặp chim non rời tổ vào tháng 5 và 6. Thức ăn là cào cào, châu chấu, cánh cứng,
nhái, ngoé, giun đất và cả hạt cỏ dại và ngũ cốc. Thay lông kéo dài từ tháng 4
đến tháng 9 và 10. Thường kiếm ăn ở mặt đất làm tổ trên cành cây cao ven rừng,
ven trảng cây bụi, vùng trồng trọt và cả vườn làng, thành phố. Nhiều khi làm tổ
tập đoàn và làm chung với cây có tổ Quạ đen, Sáo sậu. Tổ được chim sử dụng nhiều
năm nếu không bị tác động gây hỏng và nơi làm tổ không bị tác động bên ngoài.
Phân bố:
Trong nước:
Từ Bắc Bộ đến Nam
Trung Bộ.
Thế giới:
Đông Bắc Mianma, Trung Quốc, Triều Tiên, Nam Nhật Bản.
Giá trị:
Chỉ thị môi trường điển
hình. Bảo vệ nguồn gien quý hiếm, đang có nguy cơ bị tiêu diệt ở nước ta.
Tình trạng:
Hiện nay rất hiếm đang có
nguy cơ bị tuyệt chủng. Những năm gần đây rất ít thông tin tìm thấy lại chúng
trong vùng phân bố.
Phân hạng:
EN A1b,c C2a
Biện pháp bảo vệ:
Đã được đưa vào Sách Đỏ
Việt Nam (1992, 2000), bậc EN (đang nguy cấp). Cần tích cực tiếp tục điều tra
tìm hiểu các nguyên nhân gây ra tình trạng rất hiếm trong vùng phân bố để có các
biện pháp bảo vệ tích cực. Trước mắt phải có biện pháp bảo vệ môi trường không
gây ô nhiễm.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 31.