Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU ĐỘNG VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Cò lạo xám
Tên Latin: Mycteria cinerea
Họ: Hạc Ciconiidae
Bộ: Hạc Ciconiiformes 
Lớp (nhóm): Chim  
       
 Hình: Karen Phillipps  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    CÒ LẠO XÁM

CÒ LẠO XÁM

Mycteria cinerea (Raffles, 1822)

Tantalus cinereus Raffles, 1822.

Họ: Hạc Ciconiidae

Bộ: Hạc Ciconiiformes

Đặc điểm nhận dạng:

Chiều dài thân 92 - 97cm. Ngoài mùa sinh sản, bộ lông của con trưởng thành nhìn chung có màu trắng, trừ lông cánh sơ cấp, thứ cấp và lông đuôi có màu đen (quan sát rõ lúc chim bay từ phía dưới cơ thể). Chim có da trần màu đỏ tối ở đầu (bao quanh gốc mỏ). Mỏ vàng phớt tím, chân hồng tối. Bộ lông của con non có màu nâu nhạt, hơi có vằn ở đầu và cổ.

Sinh học, sinh thái:

Sống trong các sinh cảnh có nước mặn vùng ven biển, rừng ngập mặn và những nơi gần đó, kiếm ăn trên các bãi ngập triều, các vùng sình lầy, đồng thời cả trong các vùng nước ngọt nội địa như tại các khu rừng ngập nước, đầm nuôi cá tôm, ruộng lúa. Tại Inđônêxia, chúng là loài chim sống định cư chiếm ưu thế ở dải ven biển, ở Cămpuchia, người ta gặp Cò lạo xám trong vùng rừng ngập lũ dọc hồ Tônglê Sáp, vào mùa mưa từ nơi đây chúng lại bay toả đi đến các vùng khác.

Phân bố:

Trong nước: Trước đây đã gặp ở Trung Bộ  và vùng đồng bằng sông Cửu Long (86, 108). Hiện nay chưa tìm thấy lại trong các vùng phân bố cũ.

Thế giới: Thái Lan, Cămpuchia, Malaixia và Inđônêxia .

Giá trị:

Loài chim nước cỡ lớn, có hình dáng và màu sắc hấp dẫn.

Tình trạng:

Trước đây đã tìm thấy ở Huế, Quảng Trị vào tháng 7 năm 1925, vật mẫu của con cái (01 mẫu) thu được lúc đó hiện đang được lưu trữ ở Bảo tàng lịch sử tự nhiên Anh . Từ năm 1987 đến 1994, có một số thông tin, nhưng chưa được khẳng định chắc chắn  như ghi nhận sự có mặt của Cò lạo xám ở Cà Mau (Lê Đình Thuỷ và Lê Diên Dực, 1987; Lê Diên Dực, 1993), và ở Vườn quốc gia Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai (Morris, 1994). Từ đó đến nay chưa có thông tin gì khác về sự hiện diện của loài này ở Việt Nam, mặc dầu người ta đã phát hiện Cò lạo xám ở nước láng giềng Cămpuchia tại ít nhất là 11 địa điểm khác nhau  trong những năm gần đây. Trong nhiều năm qua, có thể đã có nhiều tác động khác nhau của con người gây ảnh hưởng bất lợi đến vùng cư trú thích hợp của Cò lạo xám ở nước ta.

Nhìn chung đối với quần thể thế giới, mối đe doạ chủ yếu là sự mở mang đất canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, chặt gỗ và các tác động liên quan. Săn bắt để lấy thịt và buôn bán là mối đe doạ xuyên suốt vùng phân bố của chúng.

Phân hạng: DD

Biện pháp bảo vệ:

Cò lạo xám được ghi ở Phụ lục I của Công ước CITES. Vùng hồ Tông lê sáp là Khu bảo vệ sinh quyển và là Khu RAMSAR (Khu bảo vệ đất ngập nước quốc tế) của Cămpuchia. Một số khu bảo vệ Cò lạo xám được thành lập ở Inđônêxia (ở Xumatra, Java). Cần tiếp tục công tác điều tra nghiên cứu trong các vùng phân bố của chúng, đẩy mạnh công tác bảo vệ và giáo dục bảo tồn cho các cộng đồng địa phương.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 31.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Cò lạo xám

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này