CÁ NHÁM VOI
CÁ NHÁM VOI
Rhincodon typus
Smith, 1828
Rhinodon typicus
Muller
& Henle, 1841
Micristodus punctatus
Gill, 1865.
Rhinodon pentalineatus
Kishinouye, 1891.
Họ: Cá nhám Rhincodontidae
Bộ: Cá nhám râu Orectolobiformes
Đặc
điểm nhận dạng:
Thân
hình rất lớn,
kích thước lớn nhất dài tới 20m, nặng 14 tấn.
Bên lườn có hai
gờ da chạy dọc từ vai đến bắp đuôi. Khe mang rất rộng. Lược mang nhiều và phân
nhánh ken vào nhau như mạng lưới. Lưng và hông màu nâu đen hoặc xám hồng, có
nhiều chấm trắng và vàng, phân bố ở đầu mau hơn. Bên thân đôi khi có một số vân
ngang màu trắng hoặc vàng phân bố từ đầu đến đuôi.
Sinh học, sinh
thái:
Cá nhám voi đẻ
trứng, hiện chưa biết mùa đẻ của chúng. Người ta đã lấy được một trứng trong
Vịnh Mehico ở độ sâu 56m cách bờ 130 hải lý, trứng dài 670mm, đường kính 400mm
có bào thai cuộn bên trong lớp vỏ sừng (Rass, 1971). Mẫu cá bắt được ở Đồ Sơn
(Hải Phòng) ngày 7/5/1977 dài 6,85m nặng khoảng 2700kg mang buồng trứng nặng
0,5kg với khoảng 4200 trứng non có đường kính 1,4 - 6.5mm. Thức ăn là động vật
nổi, mực và cá nhỏ. Phương thức bắt mồi là cá bơi lội, miệng há rộng, nước qua
miệng ra khe mang, mồi được mạng lược mang giữ lại. Cá sống ở tầng nước mặt các
đại dương. Vào mùa hè chúng thường vào vùng biển nông sinh sản và kiếm ăn.
Phân bố:
Trong nước: Quảng
Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, vịnh Thái Lan.
Thế giới: Các vùng biển
nhiệt đới, nước ấm đại dương và ven bờ Thái Bình dương, Ấn Độ dương và Đại Tây
Dương, giới hạn phía Bắc tới vĩ độ 42o , phía nam tới vĩ độ 33o
55 (Nam Phi).
Giá trị:
Cá nhám voi là
loài cá có kích thước lớn nhất trong lớp cá hiện sống, có giá trị
nghiên cứu khoa học nhằm tìm hiểu chu trình di cư của chúng trên các đại dương
và thức ăn của chúng. Có thể bắt một vài cá thể nhỏ để nuôi ở các công viên nước
mặn phục vụ du lịch.
Tình trạng:
Trên Thế giới mới
biết có khoảng 100 con được nghiên cứu. ở biển Việt Nam, từ năm 1977 - 1987 ngư
dân đã đánh bắt được 3 con, đến năm 1991 (sau 20 năm) mới đánh bắt được 1 con.
Rõ ràng tần xuất bắt gặp giảm tới trên 50% trong khoảng 20 năm. Dự tính số lượng
quần thể trong biển Việt Nam có dưới 250 cá thể trưởng thành và sẽ ngày càng
giảm do cường độ đánh bắt tăng mạnh như hiện nay.
Phân hạng:
EN A1a,d D.
Biện pháp bảo vệ:
Đã được ghi trong
Sách Đỏ Việt Nam. Cần đưa loài này vào danh sách cấm đánh bắt trong ngành thuỷ
sản.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 31.