Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU ĐỘNG VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Cá mị
Tên Latin: Sinilabeo graffeuilli
Họ: Cá chép Cyprinidae
Bộ: Cá chép Cypriniformes 
Lớp (nhóm): Cá biển  
       
 Hình: Phùng Mỹ Trung  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    CÁ MỊ

MỊ

Sinilabeo graffeuilli (Pellegrin & Chevey, 1936)

Varicorhinus graffeuilli Pellegrin & Chevey, 1936

Labeo graffeuilli Mai Đinh Yen, 1978.

Họ: Cá chép Cyprinidae

Bộ Cá chép - Cypriniforrmes

Đặc điểm nhận dạng:

Cá cỡ lớn, thân dài, mình dày và dẹp bên. Đầu dài vừa phải. Mõm tròn tầy, mút co kết hạch to và tương đối đều. Miệng dưới, hình cong. Hàm dưới và môi dưới tách rời nhau bằng 1 rãnh sâu. Môi dưới hơi dầy, phía trước và phía trong chứa đầy các mấu thịt. Rãnh sau môi dưới, hai bên rất sâu, phần giữa nông nhưng nối liền trái phải rõ ràng. Hàm dưới phát triển, phía dưới phủ sụn. Có 2 đôi râu. Mắt hơi nhỏ, chếch phía trên. Khoảng cách 2 mắt rộng hơi khum. Màng mang rộng, dày và nối liền với eo mang. Vây lưng có khởi điểm trước khởi điểm vây bụng, không có tia gai cứng, viền sau hơi lõm. Hậu môn trước vây hậu môn 2 vây. Vây đuôi phân thuỳ sâu. Vảy tương đối lớn. Vảy trước vây lưng lớn và phủ thành hàng đều đặn. Vảy trước vây ngực nhỏ, ẩn dưới da. Đường bên hoàn toàn chạy giữa thân. Lưng xám sẫm, bụng vàng nhạt. Vây ngực, vây bụng có gốc xám, ngọn vàng sẫm. Các vây khác xám nhạt.

Sinh học, sinh thái:

Sống ở tầng đáy vùng trung lưu và thượng lưu các sông suối lớn và các cửa ngòi, nơi có nước chảy, trong và đáy có nhiều sỏi đá. Cá có kích thước lớn, cỡ lớn nhất có thể tới 6 - 7kg, thường khai thác được cá cỡ 1 - 2kg. Thức ăn chính của cá là các loài rong rêu, tảo bám, chất hữu cơ mục nát. Cá mị thành thục sau 3 năm tuổi. Mùa sinh sản của cá vào tháng 12 đến tháng 2 năm sau. Bãi đẻ của cá là nơi nước chảy mạnh, đáy có nhiều sỏi đá.

Phân bố:

Trong nước: Các sông suối vùng trung lưu và thượng lưu sông Đà thuộc Lai Châu, sông Thao thuộc Lào Cai, Yên Bái và sông Kỳ Cùng thuộc Lạng Sơn.

Thế giới: Chỉ có ở Việt Nam.

Giá trị:

Cá mị là loài đặc hữu ở vùng núi Bắc bộ. Cá có kích thước lớn, sản lượng ở tự nhiên không nhiều, nhưng là loài cá quý, có triển vọng trở thành đối tượng nuôi.

Tình trạng:

Cá mị có sản lượng tự nhiên rất ít. Nơi sinh sống bị thu hẹp khoảng trên 50% do lũ ống, lũ quét làm thay đổi vùng sinh thái, nơi cư trú và các bãi đẻ. Cá có kích thước lớn thịt ngon nên bị săn bắt quá mức; đặc biệt là đánh bắt bừa bãi ở các bãi cá đẻ. Theo ngư dân hầu như các vùng phân bố cũ không còn đánh bắt được Cá mị nữa. Cá thuộc loại hiếm cần được bảo vệ.

Phân hạng: EN A1 B1.

Biện pháp bảo vệ:

Đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (1992, 2000) với mức độ đe doạ bậc V và danh sách các loài cần bảo vệ của ngành Thuỷ sản từ năm 1996. Nhưng cho tới nay vẫn chưa có quy chế bảo vệ và khai thác hợp lý loài cá này. Thông tư bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản của Bộ Thuỷ sản số 01/2000/TT-BTS ngày 28/4/2000 cũng không đề cập gì việc bảo vệ và phục hồi loài cá này. Cần cấm đánh bắt Cá mị ít nhất trong 5 năm liên tục, khoanh vùng các bãi đẻ để bảo vệ nghiêm ngặt. Chống làm ô nhiễm các sông suối, nơi cư trú quan trọng của loài. Nghiên cứu nuôi dưỡng, cho đẻ nhân tạo, tái tạo giống cung cấp giống nuôi và bổ sung phục hồi nguồn lợi tự nhiên.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 31.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Cá mị

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này