CÁ HOẢ
CÁ
HỎA
Sinilabeo tonkinensis
(Pellegrin & Chevey, 1936)
Varicorhinus tonkinensis
Pellegrin & Chevey, 1936
Sinilabeo tonkinensis tonkinensis
Ngũ
Hiến Văn, 1977
Labeo
tonkinensis
Yên,
1978
Bangana
tonkinensis
Kottelat, 2001.
Họ: Cá chép Cyprinidae
Bộ: Cá chép Cypriniformes
Đặc điểm nhận
dạng:
Cá cỡ trung bình,
thân dài, dẹp bên. Đầu dài vừa phải. Mõm nhô về trước, có phủ hạch dầy, kích
thước không đều. Miệng dưới, hình cung sâu. Hàm và môi dưới tách ra bởi 1 cung
sâu. Môi dưới mỏng, phần trong chứa nhiều mấu thịt nhỏ. Rãnh sau môi dưới 2 bên
rất sâu, ở giữa hơi hẹp nhưng nối liền hai bên phải trái. Hàm trước phát triển,
mé trước phủ chất sừng. Có 2 đôi râu nhỏ. Mắt hơi nhỏ, nằm mé trên. Khoảng cách
2 mắt rộng, cong lồi. Vây lưng có khởi điểm trước khởi điểm vây bụng, viền sau
lõm. Hậu môn trước gốc vây hậu môn. Vây đuôi phân thuỳ sâu. Vảy tương đối lớn,
phần ngực bụng hơi nhỏ, trước vây lưng tạo thành đường giữa không vảy. Đường bên
hoàn toàn, chạy giữa thân. Thân màu xám đen, phía bụng nhạt dần. Khi cá tươi
thân ánh đỏ vàng, các vây xám đen.
Sinh học, sinh
thái:
Cá hoả sống ở
tầng đáy và kề đáy, nơi nước trong, chảy, đáy có nhiều đá sỏi. Cá thường đi đẻ
vào mùa đông, vào mùa mưa nước đục thường sống trong các hang đá. Cá có kích
thước tương đối lớn, lớn nhất tới 6kg, thường thấy 1 - 2kg. Cá lớn nhanh, 1 tuổi
dài 24cm, 2 tuổi dài 32cm, 3 tuổi dài 38cm, 4 tuổi dài 43,5cm. Cá dinh dưỡng
bằng Perryphyton, dùng viền môi sắc cạo rêu bám đá để ăn. Thức ăn chính
là các loại tảo bám đá và các giá thể như tảo khuê, tảo lục, mùn bã hữu
cơ và một số động vật không xương sống. Cá thành thục sau 2 năm, dài 33,5cm,
nặng 1200g. Mùa sinh sản từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau. Sức sinh sản khá lớn,
cá cái dài 42,5cm, nặng 2100g chứa 33.900 trứng. Bãi đẻ là nơi giao lưu giữa 2
nguồn nước chảy mạnh, đáy đá sỏi, đá tảng và cỏ cây (cây sậy, cây bói...). Cá đẻ
vào những đêm tối trời, rét buốt có sương mù, nơi nước trong và có lưu tốc dòng
chảy khoảng 1,4 m/s.
Phân bố:
Trong nước:
Các
sông suối miền núi phía Bắc: Lào Cai, Yên Bái (sông Thao, sông Chảy), Hà Giang,
Tuyên Quang, Phú Thọ (sông Lô - Gâm), Cao Bằng, Lạng Sơn (sông Kỳ Cùng, sông
Bằng Giang), Thái Nguyên (sông Cầu), Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình (sông Đà), Thanh
Hoá (sông Mã), Nghệ An (sông Lam).
Thế giới: Trung Quốc
(Vân Nam).
Giá trị:
Loài cá đặc trưng
của các tỉnh miền núi phía Bắc. Có giá trị nghiên cứu
khoa học và có
triển vọng trở thành cá nuôi.
Tình trạng:
Nơi cư trú bị thu
hẹp trên 20% do xây dựng các hồ chứa. Nhiều sông suối bị lũ lớn làm đảo lộn đến
vùng sinh sống và bãi đẻ. Cá bị săn lùng quá mức phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Số lượng cá trưởng thành ở các vùng đã giảm mạnh. Qua khảo sát 5 điểm ở vùng
Đông Bắc (9/2001) cho thấy chỉ ở sông Gâm thuộc Nà Hang (Tuyên Quang) Cá hoả còn
khá nhiều. Mùa khai thác cá từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, cỡ thường bắt từ
0,5 - 2kg/con. Sản lượng cá thu gom ở Nà Hang từ 400 - 500kg/vụ. Tuy nhiên, sản
lượng cá ở đây cũng đã giảm nhiều.
Phân hạng: VU
A1c,d B2a,b
Biện pháp bảo vệ:
Đã được đưa vào
Sách Đỏ Việt Nam (1992, 2000) với mức độ đe doạ bậc V và danh sách các loài cần
bảo vệ của ngành Thuỷ sản từ năm 1996. Tuy nhiên, vẫn chưa có quy chế bảo vệ và
khai thác hợp lý loài cá này. Thông tư của Bộ Thuỷ sản số 01/2000/TT-BTS ngày
28/4/2000 cho phép đánh bắt Cá hoả từ 43cm trở lên là chưa hợp lý. Cần nghiên
cứu kỹ hơn về loài cá này để có cơ sở khoa học xây dựng quy chế bảo vệ và khai
thác hợp lý. Trước mắt cần cấm đánh bắt cá trên các bãi đẻ và sớm nghiên cứu tạo
cá giống phục vụ nuôi và bổ sung nguồn lợi.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 31.