CÁ MÒI CỜ HOA
CÁ MÒI CỜ HOA
Clupanodon thrissa
(Linnaeus,
1758)
Clupea thrissa
Linnaeus, 1758
Opisthonema
thrissa
Gill, 1861
Clupanodon
thrissa
Fowler, 1941
Konosirus thrissa
Jordan & Seale, 1906.
Họ: Cá trích Clupeidae
Bộ: Cá trích Clupeiformes
Đặc điểm nhận
dạng:
Cá cỡ nhỏ,
thân
hình thoi, dẹt bên. Đầu nhọn và tròn. Mõm ngắn. Miệng nhỏ, có khuyết ở giữa
hàm trên lõm. Mắt tương đối lớn phía trước và sau đều có màng trong suốt che và
chỉ để hở ở giữa 1 khe hình thoi hẹp. Vây lưng khá lớn, khởi điểm ở trước khởi
điểm
vây bụng; tia cuối cùng rất dài, nên có tên gọi là Cá mòi cờ. Vây đuôi tương
đối lớn, phân thuỳ sâu, mút cuối nhọn và bằng nhau. Lưng có màu xám, thân và
bụng trắng bạc. Hai bên thân có 4 - 6 chấm đen.
Sinh học, sinh
thái:
Khai thác ở sông
Hồng, chiều dài khoảng 25cm và nặng 200g. Cá ở ven biển thường có chiều dài 12,6
- 23,4cm; khối lượng 20 - 140g. Cá
di cư vào sông Hồng thường dài 17,3 - 24,9cm, trọng lượng 40 - 90g. Thành
phần tuổi ở biển gồm 5 nhóm (0+ - 4+ tuổi), còn di cư vào
sông đẻ, chỉ gồm 1+ - 3+ tuổi, nhưng 3+ tuổi
rất ít. Cá 1năm chiều dài từ 13,4 - 16,1cm, 2 năm: 16,1 - 19,2cm, 3 năm: 19,8 -
22,3cm và 4 năm: 23,6cm. Cá cái thường lớn hơn cá đực.
Cá mòi cờ hoa
sống ở tầng giữa. Khi sống ở biển, trong dạ dày cá thành phần thức ăn khá đa
dạng, chủ yếu là tảo lông chim cùng với một ít tảo Silic trung tâm (Centrticae),
giáp xác nhỏ và cặn vẩn. Cá di cư vào sông, mức độ phát triển tuyến sinh dục còn
thấp, trong dạ dày còn gặp tảo lục, tảo lam, tảo giáp nhỏ, luân trùng và cặn
vẩn. Nhìn chung cá di cư ngừng dinh dưỡng.
Cá mòi cờ hoa có
tập tính di cư từ biển vào các hệ thống sông lớn để sinh sản. Cá đẻ trứng
trôi nổi theo dòng chảy. Bãi cá đẻ từ Hưng Yên, Hà Nội trở lên (hệ thống sông
Hồng). Nơi cá đẻ cao nhất là Đoan Hùng - Phú Thọ (sông Lô), Thác Bờ - Hoà Bình
(sông Đà), Việt Trì - Phú Thọ (sông Thao), Phú Bình - Thái Nguyên (sông Cầu),
Bắc Giang (sông Thương). Sức sinh sản cao, cá cỡ 19 - 23cm có 2 - 5 vạn trứng.
Mùa cá đẻ từ cuối tháng 3 - 5, đẻ rộ vào trung tuần tháng 4.
Phân bố:
Trong nước: Vùng
núi phía Bắc: Hòa Bình, Hà Tây (sông Đà, Phú Thọ (Việt Trì - sông Thao, Đoan
Hùng - sông Lô. Vùng đồng bằng Bắc Bộ: Thái Nguyên, Bắc Giang (sông Thương, sông
Cầu), Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định (hạ lưu sông Hồng, Bắc Ninh, Hải Dương (hạ lưu
hệ thống sông Thái Bình) và Bắc Trung Bộ Thanh Hoá (sông Mã) và Nghệ An (sông
Lam).
Thế giới: Ấn Độ, Triều
Tiên, Nhật Bản, Thái Lan, Inđônêxia và Philippin.
Giá trị:
Có giá trị thực
phẩm. Sản lượng khai thác cá ở hạ lưu các sông khá cao, ước tính những
năm 60 hàng năm ở miền Bắc có tới 800 tấn. Thịt cá rất ngon. Cá có triển vọng
trở thành cá nuôi ở đầm nước lợ.
Tình trạng:
Bị khai thác bừa
bãi ở các bãi đẻ và trên đường đi đẻ. Cá con bị khai thác quá mức ở vùng cửa
sông ven biển và vùng nước lợ. Trước những năm 1964 - 1965 sản lượng cá khai
thác ở vùng Hà Nội từ 700 - 800 tấn, sau đó giảm dần. Theo Bộ Thủy sản (1996)
sản lượng Cá mòi cờ hoa năm 1979 là 40 tấn, năm 1982 là 40 - 50 kg và đến nay
không còn thấy nữa.
Phân hạng:
EN
A1a,d B1+2a,b,c.
Biện pháp bảo vệ:
Đã được đưa vào
Sách Đỏ Việt Nam (1992, 2000) và danh sách các loài cần bảo vệ của ngành Thủy
sản từ năm 1996. Đã ban hành quy chế khai thác Cá Mòi cờ hoa với chiều dài được
phép là trên 16cm; thời gian cấm khai thác ở các bãi đẻ từ tháng 3 - 4.
Tuy
nhiên, các quy chế này chưa có hiệu lực ở các cơ sở. Cần cấm khai thác Cá mòi cờ
hoa trên các bãi đẻ trong sông và các bãi vỗ béo của cá con ở vùng cửa sông ven
biển. Sớm nghiên cứu khoanh các vùng cấm ở các địa phương cụ thể và có biện pháp
bảo vệ hữu hiệu. Cấm khai thác Cá mòi cờ hoa liên tục từ 8 - 10 năm sẽ có khả
năng tự khôi phục số lượng (Vũ Trung Tạng và cộng sự, 1992, 1993).
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 31.