CÁ CHÁY BẮC
CÁ CHÁY BẮC
Tenualosa reevesii
(Richardson, 1846)
Alosa
reevesii
Richardson, 1846
Hilsa
reevesii
Fowler,
1935
Teunalosa reevesii
Whitehead, 1985.
Họ: Cá trích Clupeidae
Bộ: Cá trích Clupeiformes
Đặc
điểm nhận dạng:
Cá cỡ
nhỏ, thân hình thoi, dẹt bên.
Đầu lớn, mõm ngắn
và tròn. Hàm trên mỏng, ở giữa có khía lõm. Miệng không có răng. Lưỡi rộng,
ngắn. Mắt tương đối bé. ở gốc các vây lưng, vây ngực và vây bụng có nếp da mỏng.
Vây lưng tương đối bé. Vây ngực lớn. Hậu môn ở ngay trước
vây hậu môn. Lưng có màu xám, hông và bụng trắng nhạt.
Sinh
học, sinh thái:
Là loài
cá biển di cư vào các hệ thống sông lớn để sinh sản, thường có khối lượng từ 500
- 1000g, nhóm từ 1000 - 1500g chiếm tỉ lệ thấp hơn và lớn nhất tới 4000g. Cá có
chiều dài từ 28 - 60cm, chiếm chủ yếu là nhóm chiều dài 32 - 44cm (Hồ Thế Ân và
cộng sự, 1971). Đàn cá di cư vào hệ thống sông Hồng thời kì 1963 - 1964 có từ 3
- 8 tuổi. Cá 1 tuổi có chiều dài 30 - 32cm, 2 tuổi: 40 - 41cm, 3 tuổi: 44 -
45cm. Tuổi càng cao tốc độ tăng trưởng chiều dài càng giảm và ngược lại trọng
lượng càng tăng nhanh. Cá cháy bắc chỉ ăn mồi ở biển. Khi
di cư sinh sản cá nhịn ăn, trong dạ dày của cá không gặp một loại thức ăn
nào.
Cá có
tập tính di cư biển sông (Anodromy),
đẻ trứng ở phần trên của hạ lưu và trung lưu các sông, nhất là hệ thống sông
Hồng và sông Thái Bình. Các vùng bãi đẻ của Cá cháy bắc là Thác Bờ trên sông Đà
(Hoà Bình), Quạch thị xã Yên Bái, trên sông Thao (Yên Bái), Thác Cái về thị xã
Tuyên Quang trên sông Lô (Tuyên Quang), chân đập Thác Huống (Thái Nguyên) trên
sông Cầu, Bố Hạ (Bắc Giang) trện sông Thương. Trên các hệ thống sông khác, cá di
cư đi đẻ không nhiều lắm. Bãi đẻ của Cá cháy trên sông Hồng xa
cửa sông nhất tới 400km. Mùa cá đẻ tháng 4 - 6. Sức sinh sản tương đối lớn,
khoảng 1000 trứng/1g trọng lượng cá.
Cá đẻ ở nơi nước
chảy xiết, đáy là cát sỏi nhất là nơi thác gềnh.
Phân bố:
Trong nước:
Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang (sông Hồng, sông Lô - Gâm), Hoà Bình (sông Đà,
sông Bôi), Thái Nguyên, Bắc Ninh (sông Cầu), Bắc Giang (sông Cầu, sông Thương),
các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ (hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình), Thanh Hoá
(sông Mã), Nghệ An (Vinh - sông Lam).
Thế giới:
Trung Quốc.
Giá trị:
Cá cháy bắc có
giá trị thực phẩm, ở sông Hồng sản lượng khai thác trước đây khá cao, hàng năm
đạt trên 100 tấn và trên sông Đà gần 50 tấn. Thịt cá ăn rất ngon. Cá có triển
vọng trở thành cá nuôi ở các đầm nước lợ.
Tình trạng:
Sản lượng Cá cháy
bắc ở hệ thống sông Hồng giảm nhanh. Theo Hồ Thế Ân và cộng sự (1971) sản lượng
năm 1962 - 1964 từ 8.193 - 15.442 tấn/năm (trong đó ở sông từ 11 - 21 tấn/năm,
cửa Ba Lạt từ 6.185 - 13.874 tấn/năm và cửa Bạch Đằng từ 1.486 - 3.210 tấn/năm).
Nhưng từ những năm 1990 trên sông Hồng không còn thấy Cá cháy nữa (Nguồn lợi
thuỷ sản Việt Nam, 1966: 563). Cá cháy bố mẹ lên các bãi đẻ giảm hẳn nhiều bãi
đẻ bị mất như bãi đẻ ở Thác Bờ (Hoà Bình), bãi đẻ ở Quạch (Yên Bái và bãi đẻ ở
Thác Cái (Tuyên Quang). Nguyên nhân chính là xây dựng các hồ chứa, việc phá rừng
đầu nguồn bãi đẻ bị đảo lộn và đặc biệt là việc đánh bắt quá mức ở các bãi đẻ.
Phân hạng:
EN A1a,d B2a,b,c
Biện pháp bảo vệ:
Đã được đưa vào
Sách Đỏ Việt Nam (1992, 2000) mức độ đe doạ bậc V và danh sách các loài cần bảo
vệ của ngành Thủy sản từ trước năm 1996. Đã ban hành qui chế khai thác Cá cháy
bắc với chiều dài được phép là trên 25 cm và thời gian cấm từ tháng 3 - 5 ở các
bãi đẻ. Tuy nhiên, quy chế này chưa có hiệu lực ở cơ sở. Cần nghiên cứu qui
hoạch lại các vùng bãi cá đẻ và các bãi vỗ béo cá con của Cá cháy bắc để có biện
pháp bảo vệ và khai thác hợp lý.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 31.