Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU THỰC VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Sú cong
Tên Latin: Aegiceras corniculatum
Họ: Đơn nem Myrsinaceae
Bộ: Anh thảo Primulalales 
Lớp (nhóm): Cây ngập mặn  
       
 Hình: Viên Ngọc Nam  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    SÚ CONG

SÚ CONG

Aegiceras corniculatum (L.) Blanco, 1837

Umbraculum corniculatum (L.) Kuntze, 1891

Rhizophora corniculata L., 1754

Họ: Đơn nem Myrsinaceae

Bộ: Anh thảo Primulales

Đặc điểm nhận dạng:

Cây gỗ nhỏ, cao 1 - 5 m, thân ngắn, hình trụ, phân cành nhiều, vỏ thân màu nâu sẫm. Cành nhỏ màu nâu nhạt hoặc đen, hơi phình thành đốt. Lá đơn, mọc cách sát nhau như gần đối, dày, dai, màu xanh tươi, mặt dưới có nhiều điểm tuyến, hình trứng ngược hoặc hình tim, đầu tròn, lõm, gốc hình nêm, gân bên 6 - 8 đôi. Cuống lá rất ngắn, mặt trên có rãnh. Hoa màu trắng thơm, xếp thành tán ở ngọn. Hoa có 5 cánh đài gần như hoàn toàn rời, cánh tràng hợp ở gốc trên chia 5 thùy, hình trứng, đầu nhọn, họng có lông. Nhị 5, bao phấn hình bầu dục. Bầu hình bầu dục, vòi to, dài và thuôn dần, tận cùng bằng đấu hình chấm; quả nang hình trụ cong, dài 3 - 7 cm, đường kính 5 mm, đầu nhọn, gốc có đài tồn tại, màu nâu sáng, có khái dọc, khi chín mở 2 mảnh. Hạt hình trụ hơi cong.

Sinh học, sinh thái:

Mọc ở hầu khắp các khu rừng ngập ven biển, cây trung tính, lớn nhanh, hệ rễ phát triển. Khả năng nảy mầm của hạt rất mạnh, cây non mọc khỏe. Hoa tháng 11 - 4. Quả tháng 12 - 7.

Phân bố:

Trong nước: Cây mọc ở các vùng bùn lầy nước lợ hay nước mặn ở các tỉnh miền Trung và Nam bộ Việt Nam từ Khánh Hòa đến Cà Mau.

Nước ngoài: Bangladesh, Campuchia, Đông Nam Trung Quốc, Hải Nam, Ấn Độ, Jawa, Đảo Sunda, Malaya, Maluku, Myanmar, New Guinea, Đảo Nicobar, Đảo Norfolk, Pakistan, Philippines, Queensland, Đảo Solomon, Sri Lanka, Sulawesi, Sumatra, Thái Lan.

Công dụng:

Gỗ thường chỉ dùng đóng đồ nhỏ, làm cột. Vỏ cây và hạt có chứa nhiều tanin và sapônin dùng trong thuộc da. Cây được trồng thành rừng để chắn sóng, chống sạt lở đê biển và bảo vệ bờ biển bị xâm thực bởi sóng biển, thủy triều.

 

Tài liệu dẫn: Cây gỗ kinh tế - Trần Hợp, Nguyễn Bội Quỳnh - trang 556.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Sú cong

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này