LAN HÀI VIỆT NAM
LAN HÀI VIỆT NAM
Paphiopedilum
vietnamense
Gruss & Perner, 1999
Paphiopedilum hilmari
Senghas & Schettler, 1999
Paphiopedilum mirabile
Cavestro & Chiron, 1999
Họ: Phong lan
Orchidaceae
Bộ: Phong lan Orchidales
Đặc điểm nhận dạng:
Cỏ lâu năm, cỡ 3 - 5 lá xếp thành 2
dãy. Lá chất da dày, dài, hình thuôn - bầu dục, cỡ đến 8 - 17 x 2,5 - 7 cm, mặt
trên màu lục bóng với các vết loang lổ màu thẫm hơn, mặt dưới màu lục xim với
nhiều chấm màu. Cụm hoa có cuống dài đến 15 - 25 cm, mang 1 hoa. Lá bắc hình
trứng rộng, cỡ 1,8 - 3 x 16 - 2 cm. Hoa có kích thước lớn, rộng đến 10 - 12 cm,
thường màu hồng nhạt và thẫm dẫn về chóp; lá đài màu trắng hay hồng ở gốc, về
chóp chuyển thành màu hồng - tía; lá đài gần trục hoa hình trứng ngược, cỡ 4,2 -
5,1 x 2,5 - 3 cm; lá đài kia cỡ 3 - 4,6 x 3 - 3,3 cm, có lông trắng ở mặt ngoài
và ở mép; cánh hoa màu trắng, hồng hay hồng tía ở gốc, ở phần trên màu tía thẫm,
hình bầu dục - thuôn, cỡ 5 - 6 x 3,3 - 4,5 cm, phủ lông màu trắng ở cả 2 mặt;
môi màu trắng, hồng hay tía, với vệt màu tía thẫm ở giữa, gần hình cầu, cỡ 3,5 -
4 x 2,5 - 4 cm; nhị lép cỡ 1,7 - 2,5 x 1,5 - 2 cm; bầu dài 2,5 - 2,8 cm, phủ đầy
lông trắng.
Sinh học, sinh thái:
Mùa hoa tháng 3 - 4. Tái sinh bằng
hạt. Mọc rất rải rác dưới tán rừng nguyên
sinh rậm thường xanh nhiệt đới mưa mùa cây lá rộng ưu thế Nghiến [Excentrodendron
tonkinense (Gagnep.) Chang & Miau] trên núi đá vôi kết tinh, ở độ cao 350 -
550 m, trong các khe nứt hay hốc đá ẩm, ít đất ở các vách dựng đứng gần đỉnh núi.
Phân bố:
Trong nước: Mới gặp ở một điểm tại
Thái Nguyên (Đồng Hỷ: Mỏ Ba). Các tác giả trước đây (Gruss & Perner,
Senghas & Schettler, Cavestro & Chiron) do chỉ căn cứ vào thông tin của những
người buôn Lan ở Hà Nội nên đã chỉ ra các điểm gặp (ví dụ: Cao Bằng, Hà Giang
hay Tuyên Quang) chưa chính xác.
Thế giới: Chưa
có dữ liệu.
Giá trị:
Loài đặc hữu của Việt Nam. Là loài
Hài rất quý mới được phát hiện, có hoa to, màu sắc sặc sỡ, lạ mắt và rất đẹp,
rất được ưa chuộng ở các thị trường Lan nước ngoài. Tính đa dạng về màu sắc và
hình dáng của cánh hoa bên và môi là điều hấp dẫn nhất đối với những người trồng
và lai tạo Hài.
Tình trạng:
Loài có khu phân bố vô cùng hẹp, chỉ
mới phát hiện được ở một vùng núi rất nhỏ (thuộc loại hẹp nhất trong số các loài
Hài gặp ở nước ta) và khó tái sinh, lại bị săn lùng để thu hái ồ ạt và triệt để
đến cả cây còn rất nhỏ nhằm xuất khẩu lậu qua biên giới nên bị tuyệt chủng trong
tự nhiên chỉ sau 6 năm từ khi được phát hiện, và 3 - 4 năm từ khi bị khai thác ồ
ạt. Đây là một trong vài ví dụ điển hình của việc cây bị tuyệt chủng do tình
trạng buôn bán lậu, vi phạm nghiêm trọng Công ước CITES.
Phân hạng:
EW
Biện pháp bảo vệ:
Đã liệt kê vào Phụ lục
1 của công ước CITES và Danh mục Thực vật rừng, Động vật rừng nguy cấp, quý hiếm
(nhóm 1) của Nghị định số 32/2006/NĐ - CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ để nghiêm
cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.
Cần
nhân rộng việc gieo ươm một để vừa tạo nguồn
cây làm cảnh quý đồng thời bảo vệ nguồn gen.
Tài liệu dẫn: Sách
đỏ Việt Nam năm 2007 - phần thực vật - trang 469.