BÁCH VÀNG
BÁCH VÀNG
Xanthocyparis
vietnamensis
Farjon & N. T. Hiep, 2002.
Họ: Hoàng đàn Cupressaceae
Bộ:
Hoàng đàn Cupressales
Đặc điểm nhận dạng:
Cây gỗ nhỡ, cao 10 - 15 m, với đường
kính đến 0,5 m, thường xanh, phân cành ít nhiều ngang, cành mang lá nhiều, hầu
hết mọc xiên chen lấn nhau hoặc rủ xuống, tạo nên vòng lá hình tháp rộng ở cây
non, xếp đều đặn hoặc tạo nên mặt phẳng cụt ở cây già; vỏ thân nhẵn, mỏng, màu
đỏ tới nâu đỏ, có sợi. Lá biến đổi, thường có 3 kiểu trên một cây; trên cây hoặc
cành non, thậm chí cả trên cành già mang kiểu lá non hình dùi, dài 15 - 20 mm,
rộng 1,5 - 2 mm, xếp thành 4 dãy lá đính gần vuông góc với cành, có hai dải lỗ
khí màu trắng chỉ ở mặt dưới; lá chuyển tiếp hình vảy, hình mũi mác, giống lá
trưởng thành, nhưng dài hơn (5 - 7 mm), xếp thành 4 dãy xít nhau; lá trưởng
thành hình vẩy ngắn xếp lợp lên nhau, dài 1,5 - 3 mm, rộng 1 - 1,3 mm. Nón đực
hình bầu dục, dài 2,5 - 3,5 mm, rộng 2 - 2,5 mm, đơn độc, mọc ở đầu cành, mang
10 - 12 vảy nhị hình tam giác, mép hơi răng cưa, đỉnh nhọn, bên trong mang 2 túi
phấn. Nón cái đơn độc, hình cầu, ở đầu cành mang 2 đôi vảy (rất hiếm khi 3), màu
xanh khi non; khi nón chín có màu đen hay nâu xỉn, gần hình cầu, dài 9 - 11 mm,
rộng 10 - 12 mm khi mở; các vẩy nón thường xếp thành đôi chéo chữ thập, hình
khiên với 4 - 5 góc, mặt ngoài nhẵn có mũi nhọn cong. Hạt tối đa 8 - 9 trong một
nón cái, hình trứng đều, màu nâu sáng hay nâu đỏ, có sẹo ở đáy, phẳng (dày 1,2 -
1,5 mm), dài 4,5 - 6 mm, rộng 4 - 5 mm , ở hai bên mang 2 cánh mỏng, rộng 0,5 -
1 mm.
Sinh học, sinh thái:
Vào đầu tháng 2 nón cái và hạt đã
trưởng thành, có lẽ hạt chín và được phóng thích vào tháng 3 - 4. Rải rác gặp
cây con tái sinh trong rừng. Thường mọc trên các đường đỉnh núi đá vôi trong các
hốc đất, ở độ cao 1060 - 1180 m chung với các loài Thông khác như Thiết sam giả
lá ngắn (Pseudotsuga brevifolia W. C. Cheng & L. K. Fu), Thiết sam đông
bắc (Tsuga chinensis (Franch.) Pritz.).
Phân bố:
Trong nước: Mới thấy ở Hà Giang (Quản Bạ: Cán Tỷ, Bát Đại Sơn; Yên Minh: Lao
và
Chải).
Nước ngoài: Chưa có dẫn liệu.
Giá trị:
Nguồn gen quí hiếm và độc đáo, loài
đặc hữu của Việt Nam. Chi đơn loài. Gỗ thớ mịn, cứng, màu vàng nâu, thơm, khả
năng chống mối mọt tốt, dùng đóng đồ gỗ cao cấp và trước đây dùng làm quan tài.
Hạt và tinh dầu gỗ dùng làm thuốc.
Tình trạng:
Mới chỉ được phát hiện ở một diện
tích rất nhỏ, trên các đường đỉnh núi đá vôi còn rừng sót lại với số lượng cây
rất ít. Tái sinh chậm với cây con hay cây mạ rải rác, có lẽ việc nảy mầm không
thuận lợi hoặc do rừng bị phá. Trong những năm trước đây nhiều cây có đường kính
30 - 50 cm hay hơn bị khai thác nhiều. Loài có nguy cơ bị tuyệt chủng nếu môi
trường sống vẫn tiếp tục bị tàn phá và gỗ bị hai thác.
Phân hạng:
CR B1+2b,c,e.
Biện pháp bảo vệ:
Loài có trong
Danh mục Thực vật rừng, Động vật rừng nguy cấp, quý
hiếm (nhóm 1) của Nghị định số 32/2006/NĐ - CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ để
nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Bảo vệ nghiêm
ngặt tại khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Đại Sơn và với những cá thể đã biết. Cần
nghiên cứu kỹ về sinh học, sinh thái, phân bố để phát triển nhằm bảo tồn nguồn
gen, phục vụ cho việc trồng rừng hoặc trồng để bảo tồn ngoại vi (Ex situ) tại
một số vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên.
Tài liệu dẫn: Sách
đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 494.