Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU THỰC VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Bách tán đài loan kín
Tên Latin: Taiwania cryptomerioides
Họ: Bụt mọc Taxodiaceae
Bộ: Hoàng đàn Cupressales 
Lớp (nhóm): Cây gỗ lớn  
       
 Hình: Sách đỏ Việt Nam  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    BÁCH TÁN ĐÀI LOAN KÍN

BÁCH TÁN ĐÀI LOAN KÍN

Taiwania cryptomerioides Hayata, 1906

Taiwania flousiana Gaussen, 1939

Taiwania yunnanensis Koidz., 1942

Họ: Bụt mọc Taxodiaceae

Bộ: Hoàng đàn Cupressales

Đặc điểm nhận dạng:

Cây gỗ to, có thể cao đến hơn 30 m với đường kính thân đến hơn 1 m; vỏ thân dầy khoảng 1 cm, màu xám nâu, nứt thành các mảnh dài không đều, thịt vỏ màu nâu đỏ, có nhiều sợi dai; tán thường hình nón hẹp. Lá có hai loại: trên cành già trung bình 8 - 10 lá/cm, dài 5 - 6 mm, rộng 1,2 - 1,4 mm, hơi bị ép ở 2 bên, mặt cắt ngang có 4 mặt rõ, nhỏ đi rõ rệt ở gốc của nón cái, chỉ dài 1,5 - 2 mm, rộng 1,2 mm, hình vẩy tam giác với 3 mặt; trên cành non và cây non có 10 - 14 lá/ cm, màu lục nhạt, dài 12 - 15 cm, rộng 1,2 - 1,5 mm. Nón đực mọc chụm 2 - 7 ở đầu cành; mỗi nón có 10 - 36 vẩy, mỗi vẩy có 2 - 3 túi phấn. Nón cái có kích thước 1 - 1,8 x 0,8 - 1 cm, thường có 18 - 25 vẩy; các vẩy ở gần gốc lớn nhất, càng về chóp càng nhỏ đi rõ rệt, nửa trên thường hình bán nguyệt với mũi ở giữa hình tam giác ngắn tù đầu, nửa dưới thót dần ở hai bên, cuối cùng thành móng. Hạt thuôn dài và dẹt, màu nâu sẫm, dài 3 cm, rộng 1,5 mm; cánh màu nâu nhạt, bao quanh hạt, lõm sâu ở 2 đầu, dài 6 - 7 mm, rộng 4 - 4,5 mm. 

Sinh học, sinh thái.

Vào đầu tháng 10 nón cái và hạt chưa già; có lẽ hạt chín và được phóng thích vào tháng 11 - 12. Rất ít khi thấy vẩy cái mang hạt và rất ít khi gập cây mạ hay cây con tái sinh trong rừng. Thường gặp trong các đám rừng nhỏ còn sót lại ở khe giữa 2 sườn núi, ven suối nơi có độ dốc cao, ở độ cao 1.900 - 2.100 m.

Phân bố:

Trong nước: Lào Cai (Văn Bàn: Liêm Phú, sườn đông bắc của dãy núi Tà Xa, thượng nguồn lưu vực Nậm Qua, 21056’ B, 104019’ Đ, ở độ cao khoảng 2.000 - 2.100 m), Yên Bái (Mù Căng Chải

Nước ngoài: Bắc Mianma (thượng nguồn các sông Irivandi và Xalaoen) qua phần lục địa của nam và trung Trung Quốc (từ đông nam Tây Tạng và tây Vân Nam đến đông nam Quý Châu, đông nam Tứ Xuyên và tây nam Hồ Bắc) đến đảo Đài Loan.

Giá trị:

Gỗ dễ chế biến, dùng để xây dựng, đóng bàn ghế, làm cầu và đóng thuyền cũng như sản xuất bột giấy; đặc biệt trước đây đã được xuất khẩu từ Mianma sang phía đông Trung Quốc dùng làm quan tài cho nhà giầu, từ đó mới có tên gọi là Chinese coffin tree. Tại bản Lùng Cúng, Mù Căng Chải gỗ dùng để lợp nhà. Có thể dùng để phục hồi rừng, đôi khi trồng làm cảnh.

Tình trạng:

Loài này mới chỉ được phát hiện ở một khu rừng nhỏ sót lại với số lượng cây rất ít, gồm các cây có kích thước lớn và hầu như không thấy cây con hay cây mạ tái sinh (một trong các nguyên nhân trực tiếp là do rất ít hạt được hình thành), trong khi toàn bộ thảm rừng tự nhiên nguyên thuỷ ở xung quanh đã bị chặt hết để làm nương rẫy và vẫn tiếp tục chịu lửa rừng hàng năm. Đang ở mức bị tiêu diệt trầm trọng; căn cứ vào độ suy giảm quần chủng 80% trong 3 thế hệ của quá khứ, do quan sát trực tiếp, có khu phân bố nhỏ hơn 100 km2, nơi sống nhỏ hơn 10 km2, chỉ tồn tại ở một điểm, quần chủng rất nhỏ, ít hơn 50 cá thể, tập trung trong một tiểu quần chủng.

Phân hạng: CR A1a, B1, C2b, D1. (Theo A. Farjon (1998) loài này xét trong toàn bộ khu phân bố trước đây được xếp ở mức sắp bị tuyệt chủng - VUA1d).

Biện pháp bảo vệ:

Loài có trong Danh mục Thực vật rừng, Động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (nhóm 1) của Nghị định số 32/2006/NĐ - CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ để nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Đề nghị nghiên cứu kỹ về sinh học, sinh thái, phân bố để tổ chức phát triển đối tượng này nhằm bảo tồn nguồn gen phục vụ cho việc trồng rừng tại các vùng sinh thái thích hợp. Nên thành lập khu bảo tồn loài tại xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 512.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Bách tán đài loan kín

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này