LÚA MA NHỎ
LÚA MA NHỎ
Oryza minuta
J. & C. Presl, 1830
Oryza officinalis
Wall. 1848
Oryza latifolia
Hook. f., 1896
Oryza manilensis
Merr., 1908
Họ: Cỏ Poaceae
Bộ:
Cỏ Poales
Đặc điểm nhận dạng:
Cỏ hàng năm hoặc lâu năm, thân thẳng
đứng, nhẵn, rỗng, cao 1,2 - 1,8 m. Lá có phiến thuôn hẹp, dài 30 - 60 cm, rộng
1,25 - 3,5 cm, mép lá cao 3 - 5 mm; 2 mặt lá phủ lông thô, không cuống, phần gốc
lá ôm thân nhưng không dài ra thành tai; tất cả các lá đều có rìa lông thưa, mặt
lá nhiều gân song song, mảnh, lá già mầu nâu nhạt. Cụm hoa chùm bông hẹp thành
tán thưa ở tận cùng dài 25 - 30 cm, các nhánh bên dài 10 - 20 cm; trục cụm hoa
và các nhánh đều phủ lông; trên mỗi nhánh gồm nhiều gié hoa thưa; gié hoa nhỏ,
hình bầu dục thuôn, dài 4 - 6 m, rộng 2,2 - 2,5 mm, cuống ngắn chỉ 1 - 1,5 mm;
vỏ trấu bao ngoài có nhiều gờ dọc, mặt vỏ phủ lông cứng, đặc biệt trên các gờ;
đỉnh gié có 1 râu nhọn tồn tại dài 1 - 2,5 cm, mầu nâu nhạt hoặc nâu đen khi
chín. Dĩnh quả (hạt gạo) dài 3,5 mm, rộng 1 mm, dính vào trấu, mầu trắng đục.
Sinh học, sinh thái:
Mùa hoa tháng 9 - 10, có hạt tháng
11 - 12. Tái sinh bằng hạt và chồi mầm. Mọc ở ven rừng thưa, rừng thứ sinh, các
trảng cỏ có cây bụi, mọc lẫn với các loại cỏ, ở độ cao dưới 500 m.
Phân bố:
Trong nước: Bình Thuận (Tánh Linh),
Bình Dương (Bến Cát, Tân Uyên), Đồng Nai (Định Quán, Long Khánh), Long An (Bến
Lức).
Nước ngoài: Ấn Độ, Malaysia, Philippin.
Giá trị:
Nguồn gen độc đáo, lúa dại do con
người tác động nên ngày càng hiếm, cần giữ gìn nguồn gen để lai tạo ra những
giống lúa mới cho các vùng cao khô hạn khan hiếm nước tưới và chống được sâu
bệnh.
Tình trạng:
Tuy loài có khu phân bố rộng, nhưng
nơi cư trú rải rác và chia cắt. Hơn nữa rừng thưa thứ sinh, các trảng cỏ là nơi
thường bị người ta khai phá để trồng hoa mầu, cây lương thực nên nơi cư trú bị
mất, trở nên hiếm gặp. Đang bị đe doạ tuyệt chủng do mất môi trường sinh thái và
điều kiện sống.
Phân hạng: VU
A2c.
Biện pháp bảo vệ:
Thu thập hạt giống rồi gieo vào các
khu rừng bảo vệ để giữ giống và bảo vệ nguồn gen hoang dại.
Tài liệu dẫn: Sách
đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 476.