NƯA HOA VÒNG
NƯA HOA VÒNG
Amorphophallus verticillatus
Hett., 1994
Họ: Ráy Araceae
Bộ:
Ráy Arales
Đặc điểm nhận
dạng:
Cỏ thân rễ, cao
20 - 30 cm, mọc thành bụi. Thân rễ dài 3 - 4 cm, đường kính 1 - 2 cm, phân nhánh
nhiều, tạo thành khóm. Lá 2; cuống lá mảnh, dài 13 - 28 cm, rộng 3 - 4 mm, xanh
lục hoặc hơi nâu nhạt; phiến lá rộng 25 cm, xẻ 3 thuỳ, thuỳ giữa 3 lá chét, các
thuỳ bên 2; lá chét bầu dục thuôn đến mác, dài 7 - 14 cm, rộng 2,5 - 5,5 cm, gốc
nhọn, đỉnh có mũi nhọn rộng. Bông mo xuất hiện cùng với lá; cuống bông mo mảnh,
dài 18 - 22 cm, rộng 3 - 7 mm; mo thẳng, hình tam giác thuôn, hẹp, lõm hình
thuyền, đỉnh nhọn, dài 8 - 12 cm, rộng 2,5 cm, mặt ngoài nâu, hơi hồng ở giữa,
mặt trong trắng, gốc trong nhẵn hoặc hơi lồi lõm.
Bông ngắn hoặc
dài hơn mo, dài 7 - 9,5 cm; phần cái hình trụ đến hơi hình nón, dài 0,5 -
1,5 cm, rộng 4 - 8 mm ở gốc, bầu xếp dày hoặc thưa; phần đực hình trụ, dài 2,5 -
3,5 cm, rộng 5 mm, các hoa ở gốc thường rời hoặc hợp, tạo thành các vòng hoa
xiên, các vòng thường cách biệt bởi một khoảng trống rộng độ 1,5 mm; phần phụ ít
nhiều hình trụ, dài 4 - 5,5 cm, rộng 5 mm hoặc hơn, phần gốc nhẵn, phần trên có
nhiều mấu lồi, hình nón, tù, không đều nhau, mầu trắng sữa, mùi xác súc vật chết
thối. Bầu hình cầu đến nón, dẹp, đường kính 2 - 3 mm, cao độ 1 mm, 1 ô; núm nhuỵ
tròn tới bầu dục, không cuống, rộng độ 0,8 mm, 2 - 3 thuỳ nông. Nhị hợp thành
nhóm, gần như gắn với nhau liên tục, dài 1,5 mm; chỉ nhị dài 1 mm; bao phấn cụt,
dài 0,5 mm, rộng độ 1 mm, mở lỗ ở đỉnh.
Sinh học, sinh
thái:
Ra hoa tháng 4 -
5. Cây sống trên khe đá núi đá vôi, dưới tán rừng thường xanh, ẩm, độ cao 300 -
450 mét so với mặt biển. Cây thường mọc thành khóm; phần phụ có mùi thối như xác
súc vật chết, thu hút mạnh các loại ruồi hay côn trùng ăn phân.
Phân bố:
Trong nước: Mới
thấy ở Ninh Bình (Cúc Phương).
Nước ngoài: Chưa
biết.
Giá trị:
Nguồn gen độc đáo,
là loài duy nhất trong chi Nưa (Amorphophallus) có các hoa đực xếp dạng
vòng, thân có dạng trung gian giữa thân củ và thân rễ.
Tình trạng:
Loài có khu phân
bố hẹp, mặc dù được bảo vệ trong vườn quốc gia, nhưng cũng có thể bị tuyệt chủng
nếu có rủi ro xảy ra với vườn.
Phân hạng: LR/cd.
Biện pháp bảo vệ:
Cây cần được bảo
vệ ngoài nơi cư trú của nó để tránh rủi ro.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 374.