HOÀNG TINH ĐỐM
HOÀNG TINH ĐỐM
Polygonatum punctatum
Royle, 1839.
Họ: Tóc tiên Convallariaceae
Bộ: Măng tây Asparagales
Đặc điểm nhận dạng:
Cây thảo sống nhiều năm, phụ sinh
trên thân cây gỗ hay trên đá; cao 30 - 70 cm; thân rễ mập, màu hơi xanh, tạo
thành chuỗi phân nhánh, đường kính 1,5 - 2 cm. Thân khí sinh khi non có những
đốm màu tím hồng; Khi già chỉ còn màu xanh. Lá mọc so le, gần như có đốt ở gốc;
phiến lá thuôn, đầu nhọn, dày và cứng; 3,5 - 5,5 x 2 - 3 cm, mép nguyên. Hoa mọc
ở kẽ lá, 2 cái trên một cuống chung ngắn, cuống hoa nhỏ, dài 0,4 - 0,5 cm; bao
hoa hình ống màu vàng ngà hay trắng xanh; miệng tạo thành 6 răng hình tam giác
tròn đầu (cánh hoa). Nhị 6, đính ở ống hoa và dài bằng 2/3 ống hoa; vòi nhuỵ
thấp hơn nhị. Quả mọng hình cầu, đường kính 3,5 - 4 mm; khi chín màu đỏ cam;
nhiều hạt nhỏ.
Sinh học và sinh thái:
Mùa hoa tháng 3 - 4, quả tháng 4 -
7(8). Tái sinh tự nhiên từ hạt. Quả chín thường là thức ăn của chim và sóc; theo
phân của các loài động vật này hạt giống được phát tán sang các cây gỗ khác. Tuy
nhiên, chỉ có những hạt rơi được vào các kẽ nứt của vỏ, hốc cây hay hốc đá mới
có điều kiện để nảy mầm. Toàn bộ phần thân mang lá tàn lụi vào mùa đông, đến mùa
xuân năm sau, từ thân rễ sẽ mọc lên các chồi thân mới. Cây ưa ẩm, chịu bóng,
thường mọc bám trên thân cây gỗ hay trên đá trong rừng kín thường xanh ở núi
cao, ở độ cao từ 1500 - 2200 m.
Phân bố:
Trong nước: Lào Cai (Sapa: Bản
Khoang, Tả Giàng Phình), Yên Bái (Mù Cang Chải: Tà Cố Y), Kontum và Lâm Đồng.
Thế giới: Ấn Độ, Nêpan, Butan, Trung
Quốc.
Giá trị:
Nguồn gen hiếm của Việt Nam. Có lẽ
là loài duy nhất trong họ Hành (Liliaceae) có kiểu sống phụ sinh. Thân rễ (củ)
được chế biến thành "thục" làm thuốc bổ thận dương, chữa đau nhức xương khớp.
Tình trạng:
Trong 2 điểm phân bố ở miền Bắc, có
số cá thể không nhiều; được khai thác sử dụng cùng với các loài hoàng tinh khác.
Nạn phá rừng làm mất nơi sống (Mù Cang Chải). Khó trồng và có nguy cơ bị tuyệt
chủng cao.
Phân hạng:
EN A1a,c,d
Biện pháp bảo vệ:
Bảo vệ triệt để cùng với những cây
gỗ giá thể ở trong 2 khu rừng trồng thảo quả thuộc xã Bản Khoang và Tả Giàng
Phình (Sapa - Lào Cai). Tạm thời cấm khai thác loài này. Nghiên cứu để đưa vào
bảo tồn ngoại vi (Ex situ) cùng với hình thức bảo tồn tại chỗ (In situ) kể trên.