THIẾT SAM GIẢ LÁ NGẮN
THIẾT SAM GIẢ LÁ NGẮN
Pseudotsuga
brevifolia
W. C. Cheng & L. K. Fu, 1975
Pseudotsuga sinensis
var. brevifolia (W. C. Cheng & L. K. Fu) Farjon & Silba, 1990
Họ: Thông Pinaceae
Bộ: Thông Pinales
Đặc điểm nhận dạng:
Thân gỗ, không cao quá 10 - 22 m ít
nhiều vặn vẹo hoặc thẳng, vỏ màu nâu, nứt dọc; cành nằm ngang làm cho tán cây có
hình ô, rộng đến 10 - 15 m. Lá đính xoắn ốc hoặc kiểu răng lược đều đặn, hình
dải, dài từ 0,7 cm tới 1,5 cm, hiếm khi 2 cm, rộng 2 - 3,2 cm, lõm ở đỉnh. Nón
luôn luôn ở tư thế mọc chúc xuống, hình trứng hơi dài hoặc hình trụ, dài 3,7 -
6,5 cm, rộng 3,4 cm; vẩy hạt ở phần giữa nón từ hình tròn tới hình thoi, cao 2,2
- 2,5 cm, rộng 3,3 cm, cứng, mặt xa trục (mặt ngoài - abaxial) lồi, có lông dày,
gốc hình nêm, lá vẩy quặt ngược ra ngoài và cụp xuống trông thấy rõ trong nón
cái, hình tam giác nhọn, dài 3 mm, các thuỳ bên cũng hình tam giác. Những cây có
nón cái trưởng thành hình trứng hơi dài gặp phổ biến hơn trong khi những cây có
nón cái hình trụ ngắn gặp ít hơn. Hạt không đều đặn lốm đốm nâu, hình trứng 3
cạnh, nghiêng, dài 2 cm kể cả cánh; cánh màu nâu đỏ, nhẵn bóng, dài 1,3 cm, có
lông ở phần giữa mặt gần trục (mặt trong - adaxial).
Sinh học, sinh thái.
Nón hình thành vào tháng 3 - 4, hạt
chín và được phát tán vào tháng 9 - 10.
Sự
tái sinh bằng hạt trong tự nhiên diễn ra bình thường.
Cây trung
sinh và ưa sáng, không chịu được lửa rừng, mọc trên đường đỉnh hoặc ở
phần sườn gần đỉnh, ở độ cao
khoảng từ 500 - 600 đến 1.500
m.
Quần xã thuần loại hay ưu thế Thiết sam giả lá ngắn Pseudotsuga brevifolia,
thường mọc với 2 loài cây cùng họ là Thông pà cò ít lá Pinus
kwangtungensis var. varifolia và Thiết sam đông bắc Tsuga
chinensis và một loài cây lá rộng là Sồi cau đá Quercus rupestris
xen rải rác.
Phân bố:
Trong nước:
Hà Giang (Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc), Cao
Bằng (Nguyên Bình, Trà Lĩnh: Thăng Heng; Hạ Lang, Bảo Lạc), có thể cả ở Lạng Sơn
và Bắc Kạn.
Nước ngoài: Trung Quốc, một số điểm
ở Tứ Xuyên, Quý Châu, Triết Giang, Vân Nam và Quảng Tây
(điểm thu mẫu gần Việt Nam nhất đồng thời
cũng ở cực nam là Long Châu, ở độ cao 1.250 m).
Giá trị:
Loài này thuộc yếu tố Đông á, gỗ có
cấu tạo mịn, màu trắng ngà, hơi thơm, không bị mối mọt, dễ gia công chế biến,
nên rất được ưa chuộng để đóng đồ dùng gia đình .
Tình trạng:
Loài phân bố rộng trên đường đỉnh
núi đá vôi nơi có địa hình tương đối hiểm trở, số cá thể đã giảm nhiều và vẫn sẽ
có nguy cơ bị đe doạ tuyệt chủng do nạn cháy rừng và khai thác gỗ. Theo dự đoán
thì trước
khi bị con người chặt phá và nạn lửa rừng chắc chắn
quần xã này
đã
bao phủ toàn bộ các đỉnh và đường đỉnh
núi
đá
vôi có
độ cao tương ứng của
tỉnh Cao Bằng cũng như các tỉnh lân cận như Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hà Giang.
Phân hạng:
VU A1a,c,d, B1 + 2b,e
Biện pháp bảo vệ:
Cần bảo vệ nghiêm tại các địa điểm
đã được phát hiện, nên nghiên cứu kỹ về sinh học, sinh thái, phân bố để tổ chức
phát triển đối tượng này nhằm bảo tồn nguồn gen phục vụ cho việc trồng rừng và
xúc tiến thành lập khu bảo tồn loài tại khu vực Thăng Heng, huyện Trà Lĩnh, tỉnh
Cao Bằng.
Tài liệu dẫn: Sách
đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật
-
trang
508.