Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU THỰC VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Sống rắn
Tên Latin: Albizia chinensis
Họ: Đậu Fabaceae
Bộ: Đậu Fabales 
Lớp (nhóm): Cây gỗ trung bình  
       
 Hình: Phùng Mỹ Trung  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
   

SỐNG RẮN

Albizia chinensis (Osbeck) Merr., 1916

Mimosa chinensis Osbeck, 1757

Acacia auriculata Buch.-Ham. ex Wall., 1831

Arthrosprion stipulatum (DC.) Hassk., 1855

Feuilleea stipulata (DC.) Kuntze, 1891

Họ: Đậu Fabaceae

Bộ: Đậu Fabales

Đặc điểm nhận dạng:

Cây gỗ lớn cao đến 25 - 30 cm; vỏ ngoài màu xám, có nhiều lỗ bì và đường nứt nhẹ; cành non có lông màu vàng xám rồi nhẵn. Lá kép lông chim hai lần; cuống chung dài 20 cm, mang 6 - 20 đôi cuống bậc hai, mỗi cuống này lại mang 15 - 20 đôi lá chét mọc đối, không cuống; phiến lá chét dài 8 - 10 mm, rộng 2 - 2,5 mm, không cân xứng, hình thuôn mũi dùi, mặt dưới màu lục nhạt, có lông ở cả hai mặt; lá kèm hình tim, dài 10 - 15 mm, dễ rụng. Chùy hoa cao 10 - 20 cm, có lông vàng; cuống hoa xếp thành bó 3 - 4 cái, mỗi cái mang một đầu hoa gồm 10 - 20 hoa không cuống. Đài hợp, có 5 răng; tràng màu trắng xanh, có 5 thùy; nhị nhiều, cỡ 13; vòi nhụy hình sợi. Quả đậu thuôn, dài 12 - 15 cm, rộng 1,7 - 2 cm, chứa 8 - 10 hạt, dài 7 mm, rộng 4,5 mm.

Sinh học, sinh thái:

Mọc trong các rừng thường xanh và rừng nửa rụng lá. Cây ưa sáng và ẩm nên gặp mọc ở ven khe, hai bên đường, quanh nhà, chân núi ven rừng, dọc các sông suối, giữa độ cao 200m và 1700m. Tái sinh bằng hạt và chồi đều tốt, sinh trưởng nhanh. Mùa hoa tháng 5 - 6, mùa quả tháng 11 - 12.

Phân bố:

Trong nước: Cây mọc ở hầu hết các tỉnh miền núi; có nhiều ở khu Tây Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, đến Ninh Thuận.

Nước ngoài: Bangladesh, Borneo, Campuchia, Trung Quốc, Đông Himalaya, Hải Nam, Ấn Độ, Jawa, Lào, Đảo Sunda Nhỏ, Myanmar, Nepal, New Guinea, Đảo Nicobar, Pakistan, Philippines, Sri Lanka, Sumatera, Thái Lan.

Công dụng:

Cây có khi được trồng làm cây che bóng trong các đồn điền cà phê và chè. Gỗ có dác lõi khá rõ, lõi màu nâu đỏ, có vân thẳng, hơi cứng nhưng nhẹ, dễ chế biến song kém chịu mối mọt. Được dùng làm ván hòm, dụng cụ gia đình thông thường và bột giấy. Vỏ cây chứa nhiều tanin, được dùng nấu nước gội đầu; ở Ấn Độ, nước sắc vỏ làm nước rửa vết cắt, ghẻ ngứa và bệnh ngoài da. Đồng bào dân tộc Dao dùng vỏ nhớt của cây nhai nuốt nước, lấy bã đắp trị rắn cắn.

 

Mô tả loài: Phùng Mỹ Trung , Phạm Văn Thế, Trần Hợp - WebAdmin.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Sống rắn

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này