DÀNH DÀNH VIỆT NAM
HOA CHUÔNG
VIỆT
NAM
Ridsdalea vietnamensis
(Tirveng.) J.T.Pereira, 2016
Rothmannia vietnamensis
Tirveng, 1998
Họ:
Cà phê Rubiaceae
Bộ: Long đởm Gentianales
Đặc điểm nhận
dạng:
Cây bụi, cao 3 -
4 m, thân và cành nhẵn, không có lông, màu nâu sáng, cành non như bị ép dẹp. Lá
hình bầu dục, đỉnh nhọn dài 7 - 12 cm, rộng 3,5 - 5 cm, viền mép nguyên, gân bên
5 - 6 đôi, mặt trên và dưới phủ lông thô trên gân, khi khô mặt trên màu nâu đen,
mặt dưới nâu sáng; cuống lá dài 1 - 1,5 cm. Lá kèm hình tam giác, dài 2 - 3 mm.
Hoa đơn độc hoặc dạng xim thưa, 3 - 4 hoa ở nách lá, cuống mỗi hoa dài 2 - 3 cm.
Đài hình chuông, phía dưới dài 6 - 8 mm, trên 5 thuỳ dạng sợi, đỉnh nhọn. Tràng
hoa mầu trắng dài 2 cm, phần ống tràng dài 8 mm, đỉnh 5 thuỳ, mỗi thuỳ dài 1 cm,
uốn ra phía ngoài. Nhị 5, đính trên thành ống tràng, không thò ra ngoài; bao
phấn dài 6 mm, rộng 1 mm, đỉnh có mũi. Bầu 1 ô, vòi và núm nhuỵ dài 1 cm. Quả
hình bầu dục, dài 3 - 5 cm, rộng 2 - 2,5 cm, hình trụ, vỏ mỏng có 8 - 10 gờ nổi
theo chiều dọc, đài tồn tại trên đỉnh quả. Hạt nhiều, xếp 2 hàng trên trục, hình
trái xoan dài 6 mm, rộng 3 mm.
Sinh học, sinh
thái:
Ra hoa tháng 6 -
7, có quả tháng 9 - 11. Tái sinh bằng hạt. Mọc trong rừng thưa hoặc rừng thứ
sinh trên núi đá vôi hoặc gần núi đá vôi, ở độ cao khoảng 400 m.
Phân bố:
Trong nước: Hoà
Bình (Lạc Sơn, Đà Bắc), Hà Tây (Ba Vì), Ninh Bình (Cúc Phương).
Nước ngoài: Chưa
biết.
Giá trị:
Chi và loài đặc
hữu của Việt Nam, nguồn gen độc đáo, là chi rất gần với chi Dành dành (Gardenia),
hoa quả to đẹp, có thể thuần hoá tạo thành cây trồng làm cảnh.
Tình trạng:
Loài có khu vực
phân bố hẹp, nơi cư trú rải rác và chia cắt, lại chỉ sống ở khu vực có rừng trên
núi đá vôi hoặc gần núi đá vôi. Rừng trên núi đá vôi luôn bị chặt phá nên số
lượng giảm, có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Phân hạng: VU
A1c, B1+2c.
Biện pháp bảo vệ:
Loài cây bản địa
quý cần được giữ gìn bảo vệ. Nên khoanh một diện tích cần thiết có loài này, tạo
điều kiện để chúng sinh trưởng phát triển. Hoặc đưa về trồng ở các
công viên vừa làm cảnh vừa bảo vệ nguồn gen.
Cần bảo vệ ở Vườn quốc gia Ba Vì và Cúc Phương.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 323.