CÀ DIỆN
CÀ DIỆN
Karomia fragrans
Dop, 1933
Họ:
Cỏ roi ngựa Verbenaceae
Bộ:
Hoa môi Lamiales
Đặc điểm nhận
dạng:
Cây gỗ, cao 12 -
13 m, đường kính thân tới 40 - 50 cm. Cành non tròn, có lông tơ rải rác, sau
nhẵn; vỏ cây thường có màu đen và có bì khổng. Lá đơn mọc đối, hình trái xoan,
cỡ 8 - 13 x 4 - 6,5 cm; chóp lá nhọn; gốc lá tròn hay tù; mép lá nguyên; mặt
trên nhẵn, có màu nâu khi khô; mặt dưới gần như nhẵn; gân bên 5 - 6 đôi cong
hướng lên phía trên, gân mạng rõ ở mặt dưới; cuống lá dài 8 - 15 mm, có rãnh ở
phía trên. Cụm hoa hình chuỳ ở đỉnh cành hay nách lá phía đỉnh cành, dài và rộng
10 - 15 cm, có lông. Đài hình nón ngược, có lông rải rác ở phía ngoài, 5 gân dọc
ống rõ, 5 thuỳ rất ngắn hay gần như nguyên. Tràng màu xanh lam, dài 10 - 12 mm,
ống tràng hình trụ, ngắn, dài 3 - 4 mm, có lông ở phía ngoài, nhẵn ở bên trong,
5 thuỳ tạo thành 2 môi: 4 thuỳ phía trên đứng, thuôn, đỉnh tròn, dài 6 mm; 1
thuỳ phía dưới cong lõm hình thuyền, cỡ 10 x 6 mm. Nhị 4, dài gần bằng nhau, thò
dài khỏi tràng; chỉ nhị dính trên ống tràng; bao phấn 2 ô, dãng ra, ô phấn mở
theo chiều dọc. Bầu hình con quay, có lông và có tuyến; vòi dài hơn nhị, đỉnh xẻ
2 thuỳ. Quả nang thuôn, cỡ 4 x 3 mm, có lông và
có tuyến. Hạt được tách ra ở giữa quả, đài
quả đồng trưởng, gần như nguyên, đường kính tới 3 cm.
Sinh học, sinh
thái:
Gặp rải rác trong
rừng thường xanh ven biển hoặc rừng khô hạn ven biển ở độ cao 400 đến 800m. Cây
ưa sáng, ưa đất tốt, có khả năng chịu hạn tốt. Tái sinh chồi mạnh, tái sinh hạt
kém. Mùa ra hoa tháng 7 - 8.
Phân bố:
Trong nước: Mới
thấy ở Ninh Thuận (Phan Rang, Cà Ná, Vườn quốc gia Núi Chúa).
Thế giới: Chưa
biết
Giá trị:
Loài đặc hữu của
Việt Nam. Cây cho gỗ tốt được dùng trong xây dựng và đóng các đồ dùng gia đình.
Tình trạng:
Khu phân bố rất
hẹp, chỉ gặp ở một điểm. Lại thường xuyên bị đe doạ bởi khai thác, chặt phá rừng
nên Cà diện trở nên rất hiếm.
Phân hạng:
CR B1+2e.
Biện pháp bảo vệ:
Khoanh khu rừng
còn sót lại của Cà Ná để bảo vệ. Tìm kiếm nguồn hạt giống để trồng, giữ lấy
nguồn gen quý hiếm.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 360.