HUỲNH ĐÀN LÁ ĐỐI
HUỲNH ĐÀN LÁ ĐỐI
Dysoxylum carolinae
Mabb., 1994
Họ: Xoan Meliaceae
Bộ: Cam Rutales
Đặc điểm nhận
dạng:
Cây gỗ lớn, cao
đến 45 m, đường kính đạt tới 110 cm. Gốc có bạnh cao 3 m hay hơn. Vỏ thân nhẵn,
có nhiều lỗ bì màu xám đến màu nâu sẫm. Vỏ trong màu trắng với các đốm màu vàng
cam rải rác, có sợi và có mùi xúp thịt. Cành non có phủ lông màu vàng, mềm. Chồi
lá có đường kính 4 - 8 mm, có góc cạnh. Lá kép lông chim chẵn, mọc đối và các lá
chét cũng mọc đối (một đặc điểm rất ít gặp trong Họ Xoan Meliaceae). Lá
kép lông chim dài 18 cm, mang 3 - 5 đôi lá chét, lớn dần về đầu lá; sóng có cánh
hẹp. Lá chét hình thuôn, dai, nhẵn bóng, to nhất dài 7 cm, rộng 3 cm; gân giữa
có lông và có tuyến ở nách gân bên; gân bên và gân trung gian không rõ, khoảng
20 đôi. Cụm hoa dài khoảng 10 cm, phân cành rộng, mọc ở nách lá đã rụng; hoa có
mùi tinh dầu sả nhẹ. cuống hoa dài. Đài có 4 thuỳ. Cánh hoa 4, dài 6 mm, không
lông. Nhị 8, bao phấn hình trứng, dài 0,8 mm, hơi thò ra ngoài; chỉ nhị dính lại
thành ống, thót lại ở phía trên, nhẵn, màu vàng nhạt. Triền hình cốc hẹp, màu
vàng, mép cụt. Bầu 4 ô, mỗi ô 1 noãn. Quả nang hình cầu dẹp, cao 5 cm, rộng 7
cm, nứt thành 4 mãnh vỏ, màu đỏ - vàng cam. Hạt 1 hoặc 2, đôi lúc 3, hạt dài 2,5
cm, màu đen; lá mầm màu xanh.
Sinh học, sinh
thái:
Loài này có lẽ có
chu kỳ ra hoa rất dài, vì từ khi phát hiện đến nay người ta mới thu được 1 mẫu
có hoa làm mẫu chuẩn. Mọc ở vùng rừng núi thấp, ở độ cao dưới 1.100 m.
Phân bố:
Trong nước: Gia
Lai
Nước ngoài:
Borneo, Malaysia, Sumatera.
Giá trị:
Nguồn gen độc
đáo. Cây cho gỗ quý, có màu vàng nhạt rất đẹp, nặng như những loài Huỳnh đàn
khác, đặc biệt có mùi thơm nhẹ. Dùng làm nhà, đóng đồ gia dụng. Quả làm thức ăn
cho các loài khỉ.
Tình trạng:
Phân bố rất hẹp,
mới chỉ phát hiện được ở một điểm. Do có giá trị sử dụng cao nên những cây lớn
đã bị khai thác hết, hiện đã trở nên rất hiếm. Mặt khác, do đặc điểm tái sinh
chậm, môi trường sống bị tàn phá, nên nguy cơ tuyệt chủng là khá cao.
Phân hạng: EN
A1c,d, B1+2a,b.
Biện pháp bảo vệ:
Cần điều tra khảo
sát thêm nhằm xác định cụ thể hơn vùng phân bố của loài. Khoanh bảo vệ khẩn cấp
điểm phân bố ở Gia Lai. Đi sâu nghiên cứu về mặt sinh học, đặc biệt là khả năng
nhân giống để trồng thêm.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 282.