CÚC DÙI TRỐNG NHỎ
CÚC DÙI TRỐNG NHỎ
Myriactis delavayi
Gagnep. 1912.
Họ: Cúc Asteraceae
Bộ:
Cúc Asterales
Đặc điểm nhận dạng:
Cỏ sống lâu năm, cao 15-50 cm, thân
thẳng đứng, nhưng ở phía gốc thường cong queo, phân nhánh từ giữa thân, phủ lông
thưa. Lá hình bầu dục thuôn, dài; phiến xẻ sâu dạng lông chim, dài 4-7 cm, rộng
2,5-3,5 cm, mép có răng cưa thưa, toàn bộ lá ở phía dưới thân, phiến lá kéo dài
theo cuống ôm lấy thân, 2 mặt lá chỉ có lông ngắn thưa trên gân. Cụm hoa đầu
hình bán cầu, đường kính 8 mm, xếp thưa ở đỉnh cành, nhánh; cuống dài 3-5 cm; lá
bắc tổng bao 2-3 lớp hình dải, dài 3-4 mm, lớp ngoài ngắn, lớp trong dài, mặt
ngoài lá bắc phủ lông mềm; ở viền cụm hoa là hoa cái 2-3 hàng dạng lưỡi, mầu
trắng đục, đỉnh lưỡi không có răng, giữa là hoa lưỡng tính dạng ống, mầu vàng,
đỉnh 5 thuỳ. Nhị 4, đỉnh nhọn, không có tai ở gốc; nhánh vòi nhuỵ ngắn. Quả bế,
bị ép dẹp, dài 2,5 mm, ở mép có gân dầy, đỉnh quả không mào lông mà là mỏ ngắn,
phần mỏ có chất dính.
Sinh học và sinh thái:
Mùa hoa và quả từ tháng 8-12. Tái
sinh bằng hạt. Mọc ở vách núi ẩm hoặc trảng cỏ ẩm, nơi độ cao 1500-1900 m.
Phân bố:
Trong nước: Lào Cai (Sa Pa), Hà
Giang (Phó Bảng), Cao Bằng.
Thế giới: Trung Quốc (Vân Nam).
Giá trị:
Loài đặc hữu của Việt Nam. Mới chỉ
gặp ở một vài nơi có khí hậu á nhiệt đới ẩm vùng núi cao phía bắc Việt Nam.
Tình trạng:
Phân bố hẹp, nơi cư trú rải rác và
chia cắt, các trảng cỏ đang bị khai phá để lấy đất trồng hoa mầu, cây lương thực.
Vì vậy loài có thể lâm vào tình trạng tuyệt chủng do làm mất môi trường sinh
thái và điều kiện sống.
Phân hạng: VU
A1a,c, B1+2a,b,c.
Biện pháp bảo vệ:
Nên khoanh bảo vệ một diện tích cần
thiết có loài này trong khu bảo vệ Hoàng Liên Sơn để giữ nguồn gen.
Tài liệu dẫn: Sách
đỏ Việt Nam - phần thực vật – trang 118.