KIM NGÂN LÁ TO
KIM NGÂN LÁ TO
Lonicera
hildebrandiana
Coll. & Hemsl. 1890.
Họ: Cơm
cháy Caprifoliaceae
Bộ: Tục
đoạn Dipsacales
Đặc điểm nhận dạng:
Dây leo bằng thân quấn;
dài tới 5 m, đường kính 0,5-1,5 cm, phân cành nhiều, không lông; vỏ màu nâu,
nhẵn. Lá có cuống, mọc đối, có lá kèm hình tai; cuống lá 1cm hoặc hơn; phiến lá
hình bầu dục hơi thuôn, nhẵn, cỡ 10 x 4 cm, gân phụ từ 5-7 đôi, màu vàng nâu,
lúc khô chuyển sang màu nâu đen. Cụm hoa dạng xim, gồm từng đôi, mọc ở nách lá
hay đầu cành, cuống chung 0,6-1cm, có lá bắc. Hoa hình ống màu vàng. Đài nhỏ.
ống hoa dài 3,5-4 cm, xẻ thành 2 môi gần bằng nhau; có mùi thơm. Nhị 5 thò ra
khỏi ống hoa. Vòi nhuỵ dài hơn nhị. Hoa có mùi thơm, nhất là lúc mới nở. Quả
hình trái xoan, dài 1,5-1,7cm, khi chín màu tím đen.
Sinh học và sinh thái:
Mùa hoa tháng 6-7, quả
tháng 7-10. Nhân giống tự nhiên bằng hạt; Cây có khả năng tái sinh khoẻ sau khi
bị chặt phát. Cây ưa sáng, ưa khí hậu ẩm mát của vùng núi, ở độ cao từ
1.500-1.700 m. Thường leo trùm lên những cây bụi hay tảng đá ở ven rừng núi đá
vôi.
Phân bố:
Trong nước: Lai Châu (Sìn
Hồ), Lào Cai (Sapa: xã Sa Pả), Hà Giang (Đồng Văn: Phó Bảng).
Thế giới: Ấn Độ, Trung
Quốc, Mianma, Thái Lan.
Giá trị:
Loài rất hiếm gặp ở
Việt Nam. Hoa và cành lá được dùng làm thuốc tiêu độc, chữa mụn nhọt, mẩn ngứa.
Tình trạng:
Hiện tại mới phát hiện
được ở 3 điểm, ước tính diện tích nơi sống không quá 10km2. Số cá thể
rất ít, thậm chí còn bị chặt phá do mọc ở chân núi là bờ của nương rẫy (Phó
Bảng-Hà Giang). Nguy cơ bị tuyệt chủng rất cao, nếu không có biện pháp bảo vệ
kịp thời.
Phân hạng: CR
B1+2b,c, C2a.
Biện pháp bảo vệ:
Bảo vệ triệt để số cá
thể còn sót lại ở núi Hàm Rồng và Bãi Vàng (xã Sa Pả) thuộc huyện Sapa (Lào Cai).
Đã thu thập được 1 khóm đưa về trồng lưu giữ tại Vườn của Trung tâm Khoa học-Kỹ
thuật giống cây trồng Phó Bảng (Hà Giang), cây sinh trưởng tốt. Tiếp tục thu
thập hạt và cành để nghiên cứu trồng tại vườn Trại thuốc Sapa (Viện Dược liệu)
với mục đích bảo tồn ngoại vi (Ex situ).
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam năm 2007 – Phần
thực vật – Trang 155.