CÚC BÔNG
CÚC BÔNG
Leontopodium subulatum
(Franch.)
Beauv. 1909.
Gnaphalium subulatum
Franch. 1892.
Họ: Cúc Asteraceae
Bộ:
Cúc Asterales
Đặc điểm nhận dạng:
Cỏ lâu năm cao 0,7- 1m, phân nhánh ở
phía gốc, toàn thân phủ lông trắng dầy như len. Lá nhiều, hình dải, không cuống,
mép nguyên, lông dầy đặc màu trắng đục ở mặt dưới; phiến lá dài 2-3 cm, rộng
0,1-0,2 cm, đỉnh nhọn, không thót ở gốc. Cụm hoa đầu hợp thành ngù dầy đặc ở tận
cùng, dài 2-4 cm; một số lá bắc tổng bao chung lớn gần như lá bao bọc xung quanh
dài 2-4 cm phủ lông trắng dầy trên cả 2 mặt; mỗi cụm hoa đường kính chỉ 6-8 mm;
lá bắc bình thường nhỏ, dài 4 mm, mép có 2-3 răng, tất cả đều hoa ống; hoa cái ở
mép, nhiều, ống tràng dài 5 mm, kết quả;
hoa lưỡng tính ở giữa tràng dạng ống sợi, đỉnh loe ra như phễu có 5 thuỳ,
không kết quả; bao phấn dài 2 mm, mặt lưng có những điểm nhô lên, tai ở gốc nhọn;
nhánh vòi nhuỵ hoa cái vượt ra ngoài ống tràng, ngắn, đầu hình tam giác.
Quả bế hình trụ dài 0,8 mm, vỏ phủ lông ngắn, mào lông trên đỉnh quả dạng tơ,
nhiều, mầu trắng, dài hơn tràng hoa.
Sinh học và sinh thái:
Mùa hoa và quả từ tháng 11-2 (năm
sau). Tái sinh bằng hạt. Mọc ở các trảng cỏ trên núi, nơi có khí hậu á nhiệt đới,
độ cao 800-1800 m.
Phân bố:
Trong nước: Lào Cai (Sa Pa), Sơn La
(Mộc Châu).
Thế giới: Trung Quốc, Lào.
Giá trị:
Cây có dáng và cụm hoa đẹp, có thể
đưa về trồng làm cây cảnh, ở các công viên và điểm du lịch của miền núi phía bắc.
Tình trạng:
Loài có khu vực phân bố hẹp, nơi cư
trú rải rác và chia cắt, bị đe doạ bởi đồng cỏ là nơi dân địa phương khai phá để
trồng hoa màu lương thực, làm mất môi trường sinh thái và điều kiện sống nên có
thể lâm vào tình trạng tuyệt chủng.
Phân hạng:
VU
A1c, B1+2a,b,c.
Biện pháp bảo vệ:
Đề nghị thuần hoá đưa về trồng trong
các công viên miền núi vừa làm cây cảnh vừa bảo vệ được nguồn gen.
Tài liệu dẫn: Sách
đỏ Việt Nam - phần thực vật – trang 117.