THÙ DU NGŨ GIA BÌ
THÙ
DU NGŨ GIA BÌ
Evodiopanax evodiifolius
(Franch.) Nakai, 1924.
Acanthopanax
evodiaefolius
Franch. 1896.
Họ Ngũ gia bì
Araliaceae
Bộ: Hoa tán Apiales
Đặc điểm nhận dạng:
Cây bụi, cao 2 - 4m hoặc
hơn; phân cành nhiều, không gai; Vỏ có màu trắng xám, ở các mấu co lại, xù xì.
Lá kép chân vịt, có cuống, thường mọc tập trung ở đầu cành thành túm; cuống lá
dài 5 - 10cm. 3 lá chét, hình thuôn, nhọn 2 đầu, 6 - 12 x 2,5 - 3cm; nhưng lá chét
giữa thường lớn hơn 2 lá chét bên, có cuống ngắn, dai, mép khía răng cưa nhỏ,
đều. Cụm hoa tán đơn, gồm 1 - 3 cái, mọc ở kẽ lá hay đầu cành. Cuống cụm hoa
thường thấp hơn tán lá, dài 4 - 6cm. Mỗi tán gồm nhiều hoa nhỏ, có cuống mảnh dài
bằng 1/3 cuống cụm hoa. Hoa màu vàng ngà, mẫu 5: 5 lá dài nhỏ; 5 cánh hoa hình
trứng thuôn, khi nở thường xoè và cong xuống. Nhị 5. Bầu 2 ô, đầu nhuỵ thấp hơn
nhị. Quả mọng, thường 1 hạt (và 1 hạt lép). Lá, vỏ thân và vỏ rễ có mùi thơm đặc
biệt.
Sinh học, sinh thái:
Mùa hoa tháng 8 - 9, quả
tháng 9 - 12. Nhân giống tự nhiên chủ yếu từ hạt. Cây có khả năng tái sinh sau khi
bị chặt phát. Cây ưa ẩm, ưa sáng hay hơi chịu bóng. Thường mọc rất rải rác ở
rừng ẩm núi đá vôi, có ít cây gỗ lớn hoặc cây gỗ thưa. Độ cao từ 1.300
- 1.600m.
Phân bố:
Trong nước: Lào Cai (Sapa:
Xéo Mí Tỷ, núi Hàm Rồng), Hà Giang (Phó Bảng), Cao Bằng (đèo Lê A), Vĩnh Phúc (đỉnh
núi Tam Đảo), Nghệ An.
Thế giới: Trung Quốc.
Giá trị:
Nguồn gen quý hiếm vì
là chi đơn loài. Vỏ thân và vỏ rễ dùng làm thuốc chữa đau nhức xương khớp; có
tác dụng bổ. Lá tươi cùng với một vài vị khác dùng bó gãy xương, bong gân, sai
khớp.
Tình trạng:
Còn ít được điều tra
nghiên cứu cụ thể ở Việt Nam. Môi trường sống bị xâm hại do nạn phá rừng. Điểm
phân bố ở núi Hàm Rồng (Sapa) đã bị mất do làm nương rẫy.
Phân hạng: VU
A1c,d
Biện pháp bảo vệ:
Cần điều tra thêm để xác định nơi phân bố còn sót lại, để có kế hoạch bảo tồn.
Sớm xúc tiến thu thập về trồng để nghiên cứu bảo tồn ngoại vi (Ex situ).
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam 2007 trang 84.