HOA TIÊN
HOA TIÊN
Asarum glabrum
Merr. 1942.
Asarum maximum
auct. non Hemsl.
1890: Đ. T. Lợi, 1977.
Họ Mộc hương
Aristolochiaceae
Bộ:
Mộc hương
Aristolochiales
Đặc điểm nhận dạng:
Cây thảo sống nhiều
năm, cao 20-30 cm.
Thân rễ tròn có đốt; mang nhiều rễ phụ dài; có thể phân nhánh. Lá mọc so le,
gồm 2-3 cái; cuống dài, nhẵn, khi non màu tía sau chuyển thành màu lục nhạt.
Phiến lá mỏng, hình tim nhọn đầu, 13-18 x 8-12 cm;
gốc lá tạo thành 2 thuỳ, gần nhọn, cách xa nhau; mặt trên lá nhẵn, mặt dưới
có lông thưa ở gân; mép nguyên. Hoa thường chỉ có 1 cái, mọc ở kẽ lá; cuống hoa
ngắn màu tím nâu, thường mọc rủ xuống, nhưng hoa lại hướng cong lên. Lá bắc 3,
hình tam giác nhọn, tồn tại cùng với quả. Bao hoa màu nâu xám hình phễu hơi
cong; đầu chia thành 3 thuỳ tam giác hay hình mác; họng màu tím nâu có vân
trắng. Nhị 12,
chỉ nhị ngắn, màu đỏ tím; trung đới tròn đầu, vượt lên trên
bao phấn. Quả phát triển trong bao hoa tồn tại, màu nâu xám nhạt. Hạt nhỏ,
màu đen.
Sinh học, sinh thái:
Mùa hoa tháng 5-6, quả
tháng 6-8 (9). Hạt phát tán gần, nên thấy cây con xung quanh gốc cây mẹ. Thân rễ
đôi khi cũng đẻ nhánh con, có thể lấy để trồng. Cây đặc biệt ưa ẩm, ưa bóng;
thường mọc trên đất nhiều mùn dọc theo hành lang khe suối, dưới tán rừng kín
thường xanh ẩm, ở độ cao 1000-1600 m.
Phân bố:
Trong nước: Lai Châu
(Phong Thổ: Bình Lư), Lào Cai (Bát Xát: Dền Sáng, ý Tý), Hà Giang, Tuyên Quang
(Sơn Dương: Kháng Nhật), Thái Nguyên (Đại Từ: Quân Chu), Vĩnh Phúc (núi Tam
Đảo), Quảng Ninh, Hà Tây (núi Ba Vì).
Thế giới: Trung Quốc
(Quảng Đông, Giang Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc).
Giá trị:
Nguồn gen tương đối
hiếm ở Việt Nam. Rễ và thân rễ dùng làm thuốc ho, chữa viêm họng; hoa làm thuốc
bổ.
Tình trạng:
Mặc dù có ở vài điểm
phân bố, nhưng ở mỗi điểm có số cá thể không nhiều. Đã từng bị khai thác sử dụng
tại địa phương hoặc bán qua biên giới (Ba Vì, Bát Xát). Bị tàn phá do phá rừng
làm mất nơi sống (Bát Xát: ý Tý).
Phân hạng:
VU
A1c,d
Biện pháp bảo vệ:
Loài đã được ghi trong
Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá "đang nguy cấp" (E) và Danh mục Thực
vật rừng, Động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (nhóm 2) của Nghị định số 32/2006/NĐ
- CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ để hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích
thương mại. Bảo vệ tại 2 điểm thuộc Vườn quốc gia Ba Vì và Tam Đảo. Khoanh bảo
vệ thêm một điểm có cây mọc tập trung ở núi Là Thẩn, xã Dền Sáng, huyện Bát Xát,
tỉnh Lào Cai. Thu thập trồng bảo tồn ngoại vi (Ex situ) tại vườn Trại thuốc Tam
Đảo (Viện Dược liệu).
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam 2007 trang 96.