TUẾ XẺ LÔNG CHIM NHIỀU LẦN
TUẾ XẺ LÔNG CHIM NHIỀU LẦN
Cycas multipinnata
C. J. Chen & S. Y. Yang, 1994
Epicycas
multipinnata
(C. J. Chen & S. L.Yang ), 1998
Họ: Tuế Cycadaceae
Bộ: Tuế Cycadales
Đặc điểm nhận
dạng:
Thân hoá gỗ
thường nằm trong đất, dài 20 - 40 cm, đường kính 10 - 20 cm, vỏ sần xùi, sẹo lá
rõ, mang từ 1 hay hiếm khi 2 - 3 lá ở đỉnh. Lá vảy (cataphylls) dài 4,5 -
6 cm, rộng 3 - 3,5 cm tại gốc, thuôn nhọn về đỉnh. Lá mọc thẳng đứng hay
hơi nghiêng, dài 2 - 4 m, rộng 1,5 - 1,8 m; trục lá (rachis) thường mang
14 - 36 lá chét giả (pinnae) dài 20 - 60 cm; các lá chét này lại mang 6 -
8 lá chét nhỏ hơn do được phân hai ngả liên tiếp; các thuỳ lá chét phẳng, xanh
sẫm, có hệ gân chính rất nổi rõ và liên kết với nhau; cuống lá dài 1,2 - 2,7 m,
đường kính 1,7 - 2 cm, mang gai cách nhau 30 - 35 mm trên 90 - 100% chiều dài
cuống, gai dài 3 - 5 mm. Nón đực dựng đứng, hình trụ, dài 25 - 40 cm, đường kính
6 - 8 cm, màu kem tới vàng; cuống nón dài 3,5 cm, đường kính 2,5 cm. Vẩy nhị dài
2,5 - 3 cm, rộng 2 - 2,5 cm, có 2 - 6 răng nhỏ ở mép, mũi nhọn ở đỉnh hơi tiêu
giảm hoặc không có. Nón cái có đường kính 16 - 18 cm; vảy noãn dài 10 - 12 cm,
mang 2 - 6 noãn; phiến vẩy hình trứng, dài 6 - 7 cm, rộng 5 - 6 cm, mép xẻ sâu
thành 40 - 44 thuỳ nhọn bên, mềm, dài 3 - 4 ,
rộng 3 - 4 mm tại gốc. Hạt gần hình cầu, đường kính 3 cm, màu vàng khi chín.
Sinh học, sinh thái:
Nón xuất hiện
tháng 4 - 5, hạt chín khoảng tháng 10 - 11. Khả năng tạo hạt và tái sinh
từ hạt bình thường. Trung sinh và chịu bóng, mọc rất rải rác trên sườn núi đá
vôi, ở độ cao khoảng 400 m, dưới tán rừng nguyên sinh rậm thường xanh nhiệt đới
mưa mùa ẩm có một mùa khô và lạnh cây lá rộng ở đất thấp.
Phân bố:
Trong nước: Yên
Bái (Yên Bình: Phúc Ninh, núi Chàng Rể, vùng hồ Thác Bà), Ninh Bình (Bích Động).
Nước
ngoài:
Trung Quốc (Vân Nam).
Giá trị:
Nguồn gen quí.
Dáng cây đẹp trồng làm cảnh, thân dùng làm thuốc.
Tình trạng:
Việt Nam mới chỉ
phát hiện khu phân bố rất hẹp trên núi đá vôi, ở độ cao khoảng 400 m, số lượng
cá thể không nhiều. Loài này có khả năng bảo vệ nguyên vị tại
vùng hồ Thác Bà, song sẽ bị đe doạ tuyệt
chủng khi môi trường bị phá huỷ và việc khai thác trái phép gia tăng.
Phân hạng: VU
A1a,c
Biện pháp bảo
vệ:
Loài đã được đưa
vào Danh mục Thực vật rừng, Động vật rừng nguy cấp,
quý hiếm (nhóm 2) của Nghị định số 32/2006/NĐ - CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ
để hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Cần bảo vệ tại vùng
hồ Thác Bà. Tăng cường bảo tồn ngoại vi (Ex - situ) bằng cách trồng để giữ nguồn
gen tại các vườn quốc gia hoặc Khu bảo tồn thiên nhiên có điều kiện sinh thái
thích hợp.
Tài liệu dẫn:
Sách
đỏ Việt Nam 2010 - phần thực vật
- trang 224.