TUẾ LINDSTROM
TUẾ CÀ NÁ
Cycas lindstromii
S.L.Yang, K.D.Hill & N.T.Hiep, 1997
Epicycas
lindstromii
(S.L.Yang, K.D.Hill & N.T.Hiêp), 1998
Họ: Tuế Cycadaceae
Bộ: Tuế Cycadales
Đặc điểm nhận
dạng:
Thân hoá gỗ nằm
trong đất, hình như nậm rượu, cao 30 - 40 cm, đường kính 13 - 25 cm, vỏ nhẵn màu
xám trắng, mang 2 - 15 lá đính ở đỉnh thân. Lá vảy (cataphylls) hình tam
giác hẹp, mềm, dài 20 - 50 mm, rộng 3 - 7 mm tại gốc. Lá màu xanh sẫm ở
mặt trên, xanh vàng ở mặt dưới, dài 50 - 78 cm, có 18 tới 60 lá chét giả
(pinnae) đính vào trục lá (rachis) với góc 40 - 60°;
cuống lá dài 6 - 15 cm, nhẵn, có nhiều gai nhọn nhỏ phân phối từ 50 tới 100%
chiều dài cuống, lá chét ở gốc trục không tiêu giảm thành gai; lá chét ở phần
giữa trục dài 10 - 13 cm, rộng 0,7 - 1,0 cm, phẳng, mép nhẵn, nhọn đầu, cách
nhau 10 - 19 mm. Nón đực hình suốt chỉ, màu vàng, dài 26
- 20 cm, đường kính 4
- 5 cm, cuống dài 3 cm. Vẩy nhị dài 10 - 16 mm, rộng 11 - 15 mm, mũi nhọn ở đỉnh
sắc nhô cao 1 - 8 mm. Nón cái dài 12 cm, đường kính 7 - 9 cm; vảy noãn dài 8 -
12 cm, mỗi vảy mang 2 noãn nhẵn; phiến vẩy gần hình trứng, dài 5,5 - 10 cm, rộng
1,8 - 3 cm, mép phiến vảy xẻ sâu thành 12 - 26 thuỳ nhọn bên mềm, dài 8
- 12 mm,
rộng 4 - 5 mm, thuỳ nhọn đỉnh dài hơn 30 mm, rộng 4 - 5 mm ở gốc. Hạt hình
trứng, dài 31 - 35 mm, rộng 20 - 30 mm; vỏ hạt màu đỏ đến cam, dày 3 mm, có sơ.
Sinh học,
sinh thái:
Nón xuất hiện
tháng 11 - 1 (năm sau), hạt chín khoảng tháng 4 - 5 (năm sau). Tái sinh từ hạt
bình thường. Cây ưa sáng, chịu hạn, mọc ở đất nghèo chất dinh dưỡng, trên sản
phẩm phong hoá của đá granít và ở đụn cát ven biển cổ, trong rừng và trảng cây
bụi thưa, rụng lá và trảng cỏ thứ sinh, nơi có địa hình khá bằng phẳng ở ven
biển, trên đất cát sâu ưu thế cây Họ Dầu Dipterocarpaceae.
Phân bố:
Trong nước:
Khánh Hoà (Nha Trang), Ninh Thuận (Cà Ná), Bình Thuận (Tuy Phong: Chí Công, Vĩnh
Hảo), Bà Rịa - Vũng Tàu (Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu, Xuyên
Mộc). Nước ngoài: Chưa
biết.
Giá trị:
Loài đặc hữu và
nguồn gen quí của Việt Nam. Cây có dáng đẹp, trồng làm cảnh.
Tình trạng:
Loài có khu phân
bố rất hẹp, gần đường giao thông, dễ khai thác, cây con tái sinh ở các lứa tuổi
khác nhau ít, đang được bán làm cảnh từ thành phố Hồ Chí Minh ra tới Huế. Nguy
cơ bị đe doạ tuyệt chủng lớn.
Phân hạng: VU
B1 +
2b,e
Biện pháp bảo
vệ:
Loài đã được đưa
vào Danh mục Thực vật rừng, Động vật rừng nguy cấp,
quý hiếm (nhóm 2) của Nghị định số 32/2006/NĐ - CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ
để hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Bảo vệ nghiêm ngặt
tại khu phân bố đã phát hiện, đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước
Bửu, cấm khai thác và buôn bán trái phép. Thành lập khu bảo tồn thiên nhiên về
loài Tuế này tại khu vực Cà Ná.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam 2010 - phần thực vật - trang 224.