Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU THỰC VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Tuế lược thuôn
Tên Latin: Cycas elongata
Họ: Tuế Cycadaceae
Bộ: Tuế Cycadales 
Lớp (nhóm): Cây thuốc  
       
 Hình: Phùng Mỹ Trung  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    TUẾ LƯỢC THUÔN

TUẾ LƯỢC THUÔN

Cycas elongata (Leandri) D. Y. Wang, 1996

Cycas pectinata var. elongata Leandri, 1931

Epicycas elongata (Leandri) S.L. Yang, in De Laubenfels & Adema, 1998

Họ: Tuế Cycadaceae

Bộ: Tuế Cycadales

Đặc điểm nhận dạng:

Thân hoá gỗ, thẳng, cao tới 2 - 5 m, đường kính 10 - 20 cm, thường không phân cành hoặc đôi khi phân cành, vỏ nhẵn, nứt dọc, màu xám trắng, mang 30 - 60 lá mọc thành nhiều vòng ở đỉnh thân. Lá vảy (cataphylls) dài 60 - 90 mm, xốp mềm, hình tam giác hẹp, có lông rải rác. Lá dài 90 - 140 cm với từ 130 tới 240 lá chét giả (pinnae), mọc đối trên trục lá (rachis), tạo thành góc 90 - 150º, màu xanh sáng tới xanh đậm, bóng. Cuống lá dài 20 - 40 cm, nhẵn, có gai nhọn nhỏ, phân phối từ 60 tới 100% chiều dài cuống. Các lá chét giả ở giữa trục lá thường dài 14 - 22 cm, rộng 0,8 - 1,1 cm, chiều dài phần đính vào trục dài 1 - 1,8 cm với góc 50 - 60º; mép trơn, nhọn đầu. Nón đực hình trứng hẹp, thuôn về hai đầu, màu nâu xanh tới vàng, dài 25 - 35 cm, đường kính 9 - 13 cm. Vẩy nhị cứng không dày ở lưng, đỉnh có mũi nhọn ngắn nhô cao. Nón cái gồm nhiều vảy noãn xếp xít nhau tạo thành hình cầu ở tận cùng thân. Vảy noãn dài 20 - 27 cm, có lông mềm màu xám hay nâu; mỗi vảy mang 2 - 6 noãn nhẵn, mép sâu thành 36 - 38 thuỳ nhọn bên, xốp mềm, dài 20 - 25 mm, rộng 1 - 2 mm, thuỳ nhọn đỉnh dài 30 - 55 mm, rộng 4 - 5 mm ở gốc. Hạt hình trứng, dài 40 mm, rộng 30 mm; vỏ hạt màu vàng khi chín, sơ và cứng.

Sinh học, sinh thái:

Nón xuất hiện tháng 7 - 8, khả năng tạo hạt tốt, hạt chín tháng 12 và tồn tại tới đầu năm sau. Tái sinh từ hạt và nảy chồi tốt. Cây trung sinh, chịu hạn, lửa rừng và ưa sáng, mọc rải rác hay thành quần thể nhiều cá thể trong rừng hay trảng cây bụi thứ sinh thưa thường xanh hay nửa rụng lá, trên sườn đồi núi đất lẫn đá bị rửa trôi mạnh, là sản phẩm phong hoá của đá granít, ở độ cao từ ven biển tới 200 - 300 m.

Phân bố:

Trong nước: Phú Yên (Sông Cầu: đèo Cù Mông), Khánh Hoà (Cam Ranh: Nha Trang, Cam Phước Đông, Cam Phước Tây, Khánh Sơn), Ninh Thuận (Phan Rang, Cà Ná).

Nước ngoài: Chưa biết.

Giá trị:

Loài đặc hữu của Việt Nam. Cây có dáng đẹp, trồng làm cảnh.

Tình trạng:

Loài có khu phân bố hẹp, là đối tượng khai thác rất rộng để buôn bán, trồng làm cảnh. Tuy tái sinh bằng hạt tốt, song trong quần thể không gặp cây ở các lứa tuổi khác nhau, chỉ còn sót lại các cây đã lớn tại nơi có địa hình hiểm trở hoặc dân địa phương và những người chuyên đi khai thác chưa biết. Loài sẽ bị đe doạ nghiêm trọng nếu nơi sống bị xâm hại và phong trào khai thác để buôn bán phát triển rộng. Bảo tồn ngoại vi (Ex - situ) của loài này thể hiện được trồng rộng rãi và sinh trưởng tốt ở một số thành phố trong nước, tại một số vườn thực vật ở nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan.

Phân hạng: VU A2c,d

Biện pháp bảo vệ:

Loài đã được đưa vào Danh mục Thực vật rừng, Động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (nhóm 2) của Nghị định số 32/2006/NĐ - CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ để hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Nên thành lập khu bảo tồn thiên nhiên về loài và bảo tồn ngoại vi (Ex situ) bằng việc trồng trong các vùng có điều kiện sinh thái thích hợp.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam 2010 - phần thực vật - trang 224.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Tuế lược thuôn

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này