THUỐC THƯỢNG
THUỐC THƯỢNG
Phaeanthus vietnamensis
Ban, [1994] 2000.
Họ: Na Annonaceae
Bộ: Na Annonales
Đặc điểm nhận
dạng:
Gỗ nhỏ hoặc cây
bụi, cao 2 - 10m. Cành non gần như nhẵn. Lá thuôn hoặc gần hình mác, cỡ 9
- 16 x
3 - 6,5cm, chóp lá thường thành mũi dài và
nhọn, gốc lá hình nêm và hơi lệch; gân bên 9 - 11 đôi, nổi rõ ở mặt dưới, cong
hình cung và hơi vấn hợp ở gần mép;
cuống lá dài 5
- 6mm, không có lông. Hoa mọc
so le với lá, thường thành xim 2 - hoa; cuống chung dài 1
- 1,5cm; cuống hoa dài
1,5 - 3cm, mang 4 - 6 lá bắc nhỏ. Lá đài và cánh hoa ngoài gần giống nhau, hình
mác, dài trên 1 mm; cánh hoa trong màu vàng (khi già trở nên trắng), hình trứng,
dài 8 - 12mm, rộng 4 - 6mm, dính nhau bởi mép từ gốc tới đỉnh. Nhị nhiều; mào
trung đới hình đĩa hơi nhọn đầu. Lá noãn nhiều; bầu có lông; núm nhụy hình đầu,
có lông, không có vòi nhụy. Noãn 1,
bao phấn đính gốc. Phân quả hình trái xoan, cỡ 12
- 15
x 6 - 7mm, khi chín màu vàng sau đó thành màu mận chín; cuống phân quả dài 13
- 15mm; vỏ quả rất mỏng.
Sinh học, sinh
thái:
Ra hoa tháng
5 - 12, có quả tháng 6 - 1 (năm sau). Mọc rải rác dưới tán
rừng thưa, rừng thứ sinh
nơi ẩm, ở độ cao dưới 300m.
Phân bố:
Trong nước: Thừa Thiên
- Huế (Phú Lộc,
Hương Phú), Quảng Nam (Núi Thành, Duy Xuyên, Quế Sơn, Giằng, Tiên Phước).
Thế giới: Chưa có dẫn liệu.
Giá trị:
Loài đặc hữu của Trung bộ Việt Nam.
Lá dùng làm thuốc có tác dụng chống viêm (chữa đau mắt, mụn nhọt, chữa tiêu chảy
ở người và gia súc); vỏ rễ và vỏ thân cùng với lá nấu cao dán chỗ mụn nhọt sưng
tấy.
Tình trạng:
Loài có khu phân bố hẹp (mới chỉ gặp
ở 2 tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam). Nơi cư trú bị xâm hại và môi trường sống
suy giảm do rừng ở những vùng này vẫn tiếp tục bị chặt đốn.
Phân hạng:
VU B2b,e+3b.
Biện pháp bảo vệ:
Khi khai thác (đặc biệt ở Quảng Nam)
chỉ nên lấy lá, hạn chế lấy vỏ thân và không lấy vỏ rễ,
cần bảo tồn nguồn gen để tránh bị tuyệt chủng. Có thể trồng được bằng hạt và từ cây con thu thập trong tự
nhiên.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam 2007 trang 56.