RONG ĐÔNG MÓC CÂU
RONG ĐÔNG MÓC
CÂU
Hypnea japonica Tanaka
Họ: Rong đông Hypneaceae
Bộ: Rong giga Gigartinales
Đặc điểm nhận dạng:
Tản rong cao 10 - 14cm hoặc hơn, mọc thành bụi, màu đỏ đen hoặc
đỏ tía, bám bằng rễ giả mọc từ gốc thân hoặc bám bằng các móc câu ở đỉnh các
nhánh. Rong có dạng trụ tròn, không có thân chính, đường kính 1 - 1,5 mm, chia
nhánh theo kiểu mọc chuyền 3 - 4 lần; đỉnh của một số nhánh cấp hai hay cấp ba
phình rộng và cong lại dạng móc câu, góc các nhánh chót rộng; gốc nhánh hơi thắt
nhỏ, đỉnh nhọn, dài 9 - 20mm. Cắt ngang rong: phần lõi gồm 3 - 4 tế bào trụ nhỏ,
tròn và 3 - 4 hàng tế bào vây trụ lớn hình tròn hoặc bầu dục, không màu; phần da
gồm 1 - 2 hàng tế bào nhỏ, hình bầu dục hay hình chữ nhật tròn góc có chứa sắc
tố. Túi bào tử bốn chia cắt theo kiểu bậc thang, hình thành trong lớp biểu bì ở
chỗ gốc phình rộng của những nhánh nhỏ. Túi tinh tử hình thành ở gốc các nhánh
gai; túi bào tử quả chín muồi có dạng bán cầu lồi trên bề mặt gốc các nhánh gai.
(ảnh 433).
Loài này rất dễ phân biệt với các loài thuộc chi Hypnea
khác do đỉnh nhánh phình lên dạng móc câu (hamate).
Sinh học và sinh thái:
Rong thường xuất hiện tháng 12 - 1 (năm sau), phát triển tốt nhất
trong tháng 3 - 4; sinh sản (phóng bào tử bốn và bào tử quả) tháng 4 - 5, tàn
lụi vào mùa mưa khi độ muối trong nước biển ven bờ giảm. Rong mọc thành đám trên
đá hoặc bám trên các rong khác (Sargassum) bằng các móc câu. Phân bố ở
vùng triều thấp và phần trên của vùng dưới triều nơi sóng đánh mạnh.
Phân bố:
Trong nước:
Thanh Hoá (Quảng Xương: Sầm Sơn), Nghệ An (Quỳnh Lưu: Quỳnh
Tiến), Hà Tĩnh (Kỳ Anh: Kỳ Nam, đèo Hải Vân), Quảng Bình (Quảng Trạch: Quảng
Đông), Quảng Trị (Vĩnh Linh: Vĩnh Mốc), Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.
Thế giới: Trung quốc, Đài Loan, Triều Tiên, Nhật Bản.
Giá trị:
Nguyên liệu chế biến iota và kappa - carrageenan; thực phẩm; thức
ăn gia súc; phân bón; dược phẩm (trị giun sán, kháng sinh, chống u, chữa bướu
cổ). Nguồn axit amin (alanine, arginine, aspartic, glutamic, glycine, histidine,
leucine, phenylalanine, serine, threonine, tyrosine, valine); sắc tố (carotene,
chlorophyl a, d, lutein, phycocyanin, phycoerythrin, zeaxanthin); chất khoáng
(Al, B, Ca, Fe, Mg. Mn, Mo, Sr, Na, Zn, tro v.v..); hormon thực vật
(gibberellin); axit béo; đường ( đơn, đa),; agar, agaroids, funoran,
furcellarin, tinh bột floridean và chất đạm.
Tình trạng:
Mặc dù loài phân bố tương đối phổ biến ở miền Trung nước ta,
nhưng là đối tượng khai thác thường xuyên để làm thực phẩm, cho nên sản lượng tự
nhiên của chúng giảm sút rất rõ.
Phân hạng:
VU A1a,c,d.
Biện pháp bảo vệ:
Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam
(1996) với cấp đánh giá "sẽ nguy cấp" (Bậc V). Chỉ được thu hái sau khi
rong tiến hành sinh sản ( phóng bào tử). Thời gian khai thác thích hợp là tháng
4 - 5 hàng năm. Cần tổ chức nuôi trồng thí nghiệm.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam năm 2007 - phần thực vật – trang 544.