CỐT TOÁI BỔ
Drynaria fortunei
(Kuntze ex Mett.) J. Smith, 1857
Drynaria roosii
Nakaike, 1992
Aglaomorpha fortunei
(Kunze ex Mett.) Hovenkamp & S.Linds., 2017
Drynaria fortunei
(Kunze ex Mett.) J.Sm., 1857
Polypodium fortunei
Kunze ex Mett., 1856
Họ: Dương xỉ Polypodiaceae
Bộ: Dương xỉ Polypodiales
Đặc điểm nhận dạng:
Dương xỉ sống nhiều năm, phụ sinh trên đá hay trên thân cây gỗ. Thân rễ hơi dẹt,
phân nhánh, mọng nước; phủ đầy lông dạng vảy nhỏ, màu nâu. Có 2 loại lá: Lá hứng
mùn màu nâu, bất thụ; không cuống; hình trái xoan, gốc hình tim, cỡ 5 - 8 x 3 -
6 cm; mép khía răng sâu, nhọn, gân nổi rõ. Lá hữu thụ màu xanh; có cuống; phiến
xẻ thuỳ sâu hình lông chim; cỡ 25 - 50 x 8 - 15 cm; cứng; gân phụ nổi rõ; mamg
nhiều túi tử nang, sắp xếp thành hàng, tương đối đều nhau giữa 2 hàng gân lá.
Bào tử hình tròn, màu vàng nhạt.
Sinh học, sinh thái:
Mùa
có bào tử tháng 5 - 8. Nhân giống tự nhiên bằng bào tử. Lá non hoặc chồi mọc ra
hàng năm vào giữa mùa xuân. Khi thân rễ bị đứt đoạn, phần còn lại vẫn bám ở giá
thể, có khả năng tái sinh. Cây ưa ẩm, hơi chịu bóng, sống bám trên đá hay thân
cây gỗ lớn trong rừng ẩm thường xanh - nhất là loại hình rừng núi đá vôi.
Phân bố:
Trong nước: Mọc trên cây gỗ, trên đá ở các tỉnh miền núi phía Bắc, từ Nghệ An
trở ra: Lai Châu (Phong Thổ), Lào Cai (Sapa), Hà Giang (Quản Bạ, Phong Quang),
Cao Bằng (Quảng Hoà, Hà Quảng, Trùng Khánh), Lạng Sơn (Tràng Định, Bắc Sơn, Chi
Lăng, Văn Quan), Hoà Bình (Mai Châu), Hà Tây (Ba Vì), Vĩnh Phúc (Tam Đảo), Thanh
Hoá (Cẩm Thuỷ), Nghệ An (Kỳ Sơn).
Nước ngoài: Trung Quốc, Đài Loan, Lào, Thái Lan.
Giá trị:
Thân rễ là vị thuốc được dùng nhiều trong y học cổ truyền, làm thuốc chữa đau
lưng, đau nhức xương khớp, bệnh về thận. Dùng tươi để bó gãy xương.
Tình trạng:
Mặc
dù có phạm vi phân bố tương đối rộng, nhưng đã bị khai thác liên tục từ vài chục
năm trở lại đây. Hiện đã trở nên hiếm rõ rệt, vì thế đã phải sử dụng một số loài
khác thay thế như: Drynaria bonii, Drynaria quercifolia. Nạn phá
rừng làm nương rẫy hay làm hồ chưa nước (Hoà Bình) cũng góp phần thu hẹp vùng
phân bố. Hơn nữa, cây sinh trưởng phát triển chậm.
Phân hạng: EN
A1c,d
Biện pháp bảo vệ:
Loài đã được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá "bị đe doạ" (Bậc
T). Bảo vệ chặt chẽ các điểm cốt toái bổ ở Vườn quốc gia Tam Đảo, Khu bảo tồn
thiên nhiên Trùng Khánh, Pà Cò - Hang Kia, Phong Quang... Cần phải có một cơ chế
khai thác chặt chẽ theo luật định.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 536.