Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU THỰC VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Du sam đá vôi
Tên Latin: Keteleeria davidiana
Họ: Thông Pinaceae
Bộ: Thông Pinales 
Lớp (nhóm): Cây gỗ lớn  
       
 Hình: Internet  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
   

DU SAM ĐÁ VÔI

Keteleeria davidiana (Bertrand) Beissn., 1891

Pseudotsuga davidiana Bertrand, 1872

Keteleeria calcarea W.C. Cheng & L. K. Fu, 1975

Keteleeria davidiana var. calcarea (W. C. Cheng & L. K. Fu) Silba, 1990

Họ: Thông Pinaceae

Bộ: Thông Pinales

Đặc điểm nhận dạng:

Cây gỗ, cao đến 20 - 25 m với đường kính ngang ngực đến 0,6 - 0,8 m hay hơn nữa. Vỏ thân tương đối phẳng, nứt dọc nông, bong từng mảng. Tán hình bán cầu dẹt. Chồi đông hình trứng, cỡ 4 - 5 x 2 - 3 mm. Lá mọc xoắn ốc, toả về các phía, hình dải thẳng, cỡ 2 - 3 (- 4) x 0,25 - 0,3 cm, chóp tù tròn, gốc có cánh hẹp men dần theo cuống đến tận gốc, mặt trên màu lục bóng và hơi khum lồi, mặt dưới có 8 - 12 dải lỗ khí màu xám trắng phủ kín, trừ gân giữa và mép. Lá trên cành chồi và cành cây non to hơn rõ rệt, 6 - 7 x 0,4 - 0,5 cm, thẳng hay hơi cong hình liềm, ít nhiều xếp thành 2 mặt phẳng tạo thành chữ V góc rộng đến 1200. Cuống mang nón cái trưởng thành mập, đường kính 5 - 6 mm. Nón cái mọc đơn độc, hình trụ, dài đến 14 - 19 cm, trước khi nở có đường kính khoảng 4 cm, sau khi nở đến 7 cm. Vẩy nón cái ở giữa ít nhiều hình tim - 5 cạnh, màu nâu sẫm - hơi vàng, có phiến dài rộng bằng nhau, khoảng 2,5 - 2,8 cm, từ giữa hơi thót thành chóp tròn, hơi cong ra ngoài, mép có răng nông, thưa và không đều; cuống vẩy hình tam giác 6 x 6 mm; lá vẩy hình dải, chỉ dài đến 1/2 vẩy, rộng 3 - 4 mm, dính với vẩy ở phần dưới, phần trên tự do ôm sát vẩy, tận cùng bằng một răng hình tam giác ở giữa với hai thuỳ tròn ở hai bên. Hạt hình thuôn - trứng ngược, cỡ 10 - 12 x 7 mm, màu nâu nhạt. Cánh hạt màu nâu nhạt, cỡ 2 - 2,2 x 1 cm.

Sinh học, sinh thái:

Nón xuất hiện tháng 3, chín vào tháng 10 - 12. Mọc thành đám từng vài ba cây trong quần xã ưu thế Thiết sam giả lá ngắn Pseudotsuga brevifolia, trên đường đỉnh và đỉnh núi đá vôi, rất hẹp, ít đất, ở độ cao khoảng 600 - 900 m; chịu lửa rừng nhẹ. Trong số các loài cây gỗ lá rộng mọc chung có loài Tầm phong gỗ Boniodendron parviflorum.

Phân bố.

Trong nước: Cao Bằng (Hạ Lang), Bắc Kạn (Na Rì: Kim Hỷ).

Nươc ngoài: Trung và Nam Trung Quốc (Vân Nam, Quảng Tây), Đài Loan.

Giá trị.

Gỗ màu vàng nhạt, có thớ mịn, thơm, dễ tạo tác nên được ưa chuộng để làm nhà và nhất là để đóng đồ gỗ hay ốp trần, tường. Có nơi ở Trung Quốc trồng làm cảnh và trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

Tình trạng:

Ở Kim Hỷ loài này không bị chặt vì chưa thiếu gỗ và khó vận chuyển; nguyên nhân bị đe doạ chủ yếu là nạn lửa rừng làm chết dần cây to, giết chết cây mạ và cây nhỏ, kết quả là quần chủng bị suy giảm dần. ở Trung Quốc có nơi như bắc Quảng Tây và nam Quý Châu, cây mọc trên núi đá vôi cũng coi là sắp bị tiêu diệt.

Phân hạng: EN 1a,c,d, B1 + 2b,e, C2a

Biện pháp bảo vệ:

Cần bảo vệ nghiêm ngặt tại khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ và nghiên cứu để có thể trồng rộng rãi tại các vùng sinh thái thích hợp để lấy gỗ, làm cảnh và bảo tồn ngoại vi (Ex - situ).

  

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 506.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Du sam đá vôi

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này