TUẾ LƯỢC
TUẾ LƯỢC
Cycas pectinata
Buch. - Ham., 1829
Cycas
circinalis
var. pectinata
(Buch. - Ham.) J. Schust., 1932
Cycas
jenkinsiana
W. Griffith, 1854
Họ: Tuế Cycadaceae
Bộ:
Tuế Cycadales
Đặc điểm nhận
dạng:
Thân hoá gỗ, đơn
hoặc
phân cành, cao tới 2 - 12 m, đường kính 14
- 20 cm, vỏ nhẵn, màu xám trắng, mang 30 - 40 lá mọc thành vài vòng. Lá vảy
(cataphylls) hình tam giác hẹp, mềm, có lông. Lá màu xanh sẫm tới
xanh xám, bóng, dài 1,5 - 2,4 m, mang 180 - 312 lá chét giả (pinnae),
có lông trắng, mọc đối nhau và đính với
trục lá (rachis) tạo thành góc 170 - 180º; cuống lá dài 30 - 80 cm, nhẵn, có gai
nhọn, phân phối từ 30 tới 80% chiều dài cuống, lá chét giả ở gốc trục dài 5 - 16
cm không tiêu giảm thành gai. Các lá chét giả ở phần giữa trục lá thường dài 20
- 31,5 cm, rộng 7,5 - 10,5 mm, đính vào trục với góc 40 - 60°, men theo trục 4 -
8 mm, gốc rộng 2,5 - 4 mm; lá chét mọc cách nhau 8 - 13 mm, phẳng, mép hơi uốn
cong xuống mặt dưới, nhọn đầu, gân nổi rất rõ. Nón đực hình trứng, màu xanh hay
vàng, dài 30 - 55 cm, đường kính 16 - 22 cm. Vẩy nhị cứng, không dày ở lưng, dài
43 - 60 mm, rộng 19 - 24 mm, phần hữu thụ (mang
bao phấn) ở dưới, dài 35 - 57 mm, phần bất
thụ (không mang bao phấn) ở trên, dài 3 - 8 mm có mũi nhọn cong, nhô cao, dài 17
- 32 mm. Nón cái hình cầu, đường kính 45 cm. Vảy noãn dài 22 - 30 cm, có lông
mềm màu xám, mỗi vảy mang 2 - 4 noãn nhẵn; phiến vảy hình tròn, dài 11 - 18 cm,
rộng 10 - 13 cm; mép xẻ sâu thành 40 - 50 thuỳ nhọn bên, mềm, dài 26 - 75 mm,
rộng 2 - 3 mm, thuỳ nhọn đỉnh dài 35 - 75 mm, rộng 5 - 12 mm ở gốc. Hạt hình
trứng, dài 42 - 45 mm, rộng 33 - 45 mm; vỏ hạt khi chín màu vàng, nhẵn, dày 4 -
7 mm, có sơ.
Sinh học, sinh
thái:
Nón xuất hiện
tháng 4 - 5, khả năng tạo hạt tốt, hạt chín tháng 10 - 12 và tồn tại tới đầu năm
sau.
Tái sinh từ hạt và nảy chồi tốt. Cây trung sinh, chịu hạn và lửa rừng,
mọc rải rác trong
rừng thứ sinh cây lá rộng, nơi có nhiều ánh
sáng, trên đất do nhiều loại đá mẹ như granít, đá phiến v.v. phong hoá ra, từ
ven biển tới độ cao khoảng 1.000 m.
Phân bố:
Trong nước: Quảng
Ngãi (Đức Phổ: Châu Me; Sa Huỳnh), Bình Định, Kontum (Đắk Glei), Gia Lai (Kon Hà
Nừng), Lâm Đồng (Đà Lạt, Langbiang), Khánh Hoà (Khánh Vĩnh), Ninh Thuận (Cà Ná).
Nước ngoài: Bangladesh, Campuchia, Trung Nam Trung
Quốc, Đông Himalaya, Lào, Myanmar, Nepal, Thái Lan
Giá trị:
Cây có dáng đẹp,
trồng làm cảnh, thân có thể dùng làm vị thuốc.
Tình trạng:
Loài phân bố rộng,
nhưng bị khai thác nhiều để buôn bán dùng làm cây cảnh. Bên cạnh đó môi trường
sống bi phá huỷ, do đó mức độ bị đe doạ có chiều hướng gia tăng.
Phân hạng:
VU
A1a,c,d,B1 + 2b,c,e
Biện pháp bảo
vệ:
Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá
"sẽ nguy cấp" (V) và
Danh mục Thực vật rừng, Động vật rừng nguy
cấp, quý hiếm (nhóm 2) của Nghị định số 32/2006/NĐ - CP ngày 30/3/2006 của Chính
phủ để hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Tăng cường bảo
tồn ngoại vi (Ex - Situ) bằng cách trồng để giữ nguồn gen tại các vườn quốc gia
hoặc khu bảo tồn thiên nhiên có điều kiện sinh thái thích hợp.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam 2010 phần thực vật - trang 224.