TUẾ LÁ XẺ
TUẾ LÁ XẺ
Cycas micholitzii
Thiselton - Dyer, 1905
Epicycas micholitzii
(Thiselton - Dyer), 1998
Họ: Tuế Cycadaceae
Bộ: Tuế Cycadales
Đặc điểm nhận dạng:
Thân hoá gỗ, chủ yếu thường nằm trong đất, hiếm khi vượt trên mặt đất tới 16 cm,
dài 30 - 40 cm, đường kính 4 - 24 cm, vỏ hơi nhẵn. Lá vảy (cataphylls) có
mũi nhọn ngắn, phủ lông nâu xám, sớm rụng, dài 3 - 5,5 cm, rộng 6 - 8 cm tại gốc
lá. Lá thường 1 - 3, hiếm khi 6, dựng đứng với đầu uốn cong, dài 1 - 2,4
m, rộng 50 cm, có 40 - 56 lá chét giả (pinnae) ở cây trưởng thành, màu
xanh sẫm, dai, các lá chét cách nhau 3,5 - 6 cm tạo với trục lá (rachis) một góc
nhọn; lá chét giả ở phần giữa trục dài 23 - 26 cm, rộng 1,1 - 1,9 cm, phân đôi
từ 1 tới 2 lần, gân lá nổi rõ ở mặt trên, mép thẳng hay gợn sóng. Nón đực
dựng đứng, hình trụ thuôn hẹp về đỉnh, dài 15–25 cm, đường kính 3 - 5 cm, lông
nhung màu vàng tươi, cuống dài 3 - 3,5 cm. Vẩy nhị dài 10 - 18 mm, rộng 8 - 10
mm, tròn hay có mũi nhọn dài 1,5 mm ở đỉnh. Nón cái nằm ngay sát mặt đất, cao
6,5 - 8,8 cm, đường kính 13 - 21 cm; vảy noãn dài 10 - 12 cm, phủ lông nhung màu
vàng cam, mang 4 - 6 noãn; phiến vẩy hình thoi hoặc hình trứng, dài 5 - 9 cm,
rộng 4,5 - 7 cm, mép xẻ sâu đều đặn thành 14 - 22 thuỳ nhọn bên cứng, dài 1,5 -
5 CM, thuỳ nhọn ở đỉnh lớn hơn, dài 4 - 7 cm, rộng 4 - 8 mm ở gốc. Hạt hình cầu,
màu vàng khi chín, dài 19 - 23 mm, đường kính 16 - 18 mm.
Sinh học, sinh thái:
Nón xuất hiện tháng 3 - 4, khả năng tạo hạt tốt, hạt chín khoảng tháng 10 - 12,
tái sinh từ hạt bình thường. Cây trung sinh ưa ẩm,
ưa sáng, chịu lửa rừng, mọc rải rác dưới tán rừng rậm thường xanh cây
lá rộng mưa mùa nhiệt đới ở đất thấp tới 400 - 500 m, hoặc phổ biến và có nhiều
cá thể hơn trong nhiều loại thảm thứ sinh, từ rừng rậm hay
rừng thưa nửa rụng lá cây lá rộng và tre đến trảng cây bụi và trảng
cỏ.
Phân bố:
Trong nước: Tập trung ở các tỉnh Kontum (Sa Thầy: Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Rơ
Kơi), Gia Lai (KBang: Kon Hà Nừng; Cheo Reo), Đắk Lắk (Buôn Ma Thuột, Krông Bông:
núi Chư Yang Sinh) và Lâm Đồng (Đơn Dương). Còn có ở Quảng Ninh (Tiên Yên, Móng
Cái).
Nước ngoài: Rất có thể gặp ở Trung Quốc, Lào và Campuchia (dự đoán).
Giá trị:
Nguồn gen quí độc đáo. Dáng cây đẹp, trồng làm cảnh, thân đôi khi dùng làm thuốc.
Tình trạng:
Khu phân bố liên tục và số lượng cá thể còn nhiều và gặp cây con
tái sinh tự nhiên ở các lứa tuổi khác nhau tại các tỉnh thuộc Tây
Nguyên. Hiện đang được bảo vệ tại các Vườn quốc gia Chư Yang Sinh và Chư Mom Ray
nên mức độ bị đe doạ tuyệt chủng còn thấp. Nguy cơ bị đe dọa tăng lên nếu
môi trường sống bị xâm hại do khai hoang làm kinh tế và việc buôn bán
trái phép. Loài được bảo tồn ngoại vi (Ex - situ) tại nhiều nơi ở Việt Nam và
vườn thực vật của nhiều nước.
Phân hạng: VU
A1a,c
Biện pháp bảo vệ:
Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá
"sẽ nguy cấp" (V) và Danh mục Thực vật rừng, Động vật
rừng nguy cấp, quý hiếm (nhóm 2) của
Nghị định số 32/2006/NĐ - CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ để hạn chế
khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Cần bảo vệ tại Vườn quốc gia Chư Yang Sinh và Chư Mom Ray. Tăng
cường bảo tồn ngoại vi (Ex - situ) bằng cách trồng để giữ nguồn gen tại các vườn
quốc gia hoặc khu bảo tồn thiên nhiên có điều kiện sinh thái thích hợp.
Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 224.