TUẾ BA LAN SA
TUẾ BA LAN SA
Cycas balansae
Warb., 1900
Cycas
siamensis
subsp. balansae (Warb.) J. Schust., 1932
Cycas
shiwandashanica
H. T. Chang & Y. C. Zhong, 1997
Cycas
palmatifida
H. T. Chang & Y. & al., 1998
Họ: Tuế Cycadaceae
Bộ: Tuế Cycadales
Đặc điểm nhận
dạng:
Thân hoá gỗ, chủ
yếu mọc ngầm dưới đất, phần trên mặt đất khoảng 0,5 m, đường kính 10 - 20 cm,
không
phân cành, vỏ gồ ghề, màu xám đen, mang nhiều vòng lá ở đỉnh thân, mỗi vòng
có 4 - 9 lá. Lá vảy (cataphylls) dài 6 - 7 cm, xốp mềm, có lông rải rác. Lá
màu xanh thẫm, dài 120 - 240 cm với từ 90 tới 160 lá chét giả (pinnae), trong đó
có một đôi ở tận cùng trục lá (rachis);
cuống lá dài 40 - 160 cm, có lông, mang 25 - 43 đôi gai nhọn nhỏ ở từ 90 tới
100% chiều dài cuống. Các lá chét giả ở phần giữa trục thường dài 22 - 30 cm,
rộng 1 - 1,5 cm, chiều dài phần đính vào trục lá 1,1 - 2,1 cm với góc 75 - 85º;
mép lá trơn và uốn cong xuống mặt dưới hoặc lượn sóng, gốc men theo trục 5 -
8 mm, nhọn đầu. Nón đực hình suốt chỉ hẹp thuôn về hai đầu, màu vàng, dài 25–60
cm, đường kính 5 - 10 cm. Vẩy nhị xốp mềm, không dày ở lưng, dài 1,6 - 3 cm,
rộng 1,1 - 1,4 cm, phần hữu thụ (mang túi phấn) ở dưới, dài 1,4 - 2,8 cm, phần
bất thụ (không mang túi phấn) ở trên, dài 2 - 4 mm. Vảy noãn dài 8 - 12 cm, có
lông màu nâu, mang 2 - 4 noãn, nhẵn; phiến vẩy dài 4 - 6 cm, rộng 3 - 5,5 cm,
mép xẻ sâu thành 14 - 24 thuỳ nhọn bên, xốp mềm, dài 25 - 40 mm, rộng 2 - 3 mm,
thuỳ nhọn đỉnh giống như các thuỳ nhọn bên. Hạt hình trứng, dài 25 - 27 mm, rộng
20 mm; vỏ hạt vàng khi chín, không có sơ.
Sinh học,
sinh thái:
Nón xuất hiện
tháng 3 - 5, hạt chín khoảng tháng 10 - 12. Tái sinh từ hạt và nảy chồi bình
thường. Cây trung sinh và ưa bóng, trên đất có tầng dày dưới tán
rừng nguyên sinh rậm thường xanh nhiệt đới mưa mùa, ở đất thấp cây lá rộng,
nhưng có thể chịu hạn và lửa rừng, nơi có nhiều ánh sáng, đất bị thoái hoá và
nghèo chất dinh dưỡng trong rừng hay trảng cây bụi rậm thường xanh
thứ sinh phục hồi sau nương rẫy, đất sét nặng thoát nước, sản phẩm phong hoá
của đá phiến sét, từ ven suối lên sườn đồi núi, ở độ cao khoảng 300 m.
Phân bố:
Trong nước: Lạng Sơn (Bắc Sơn), Tuyên Quang (Sơn Dương), Thái Nguyên (Đại Từ),
Quảng Ninh (Đông Triều, Hoành Bồ: Tân Dân, Đình Lập, Cẩm Phả, Tiên Yên, Móng
Cái), Bắc Giang, Vĩnh Phúc (Tam Đảo), Hoà Bình (Chinê), Nghệ An (Nghĩa Đàn, Diễn
Châu), Hà Tĩnh (Hương Sơn), Quảng Trị (Đa Krông).
Nước ngoài: Nam Trung Quốc (Vân Nam và Quảng Tây), Bắc Thái Lan, Lào.
Giá trị:
Cây có dáng đẹp,
trồng làm cảnh ở các công viên, biệt thự và đường phố, thân có thể dùng làm thuốc.
Tình trạng:
Loài có khu phân
bố khá rộng, chủ yếu ở phía bắc cánh cung Đông Triều, từ Quảng Ninh, Bắc Giang
đến Lạng Sơn. Trồng rải rác làm cảnh trong vườn ở nhiều điểm gần nơi có cây mọc
hoang dại, nhất là dọc đường từ Chí Linh, Đông Triều qua thành phố Hạ Long đến
Tiên Yên, Đình Lập, Móng Cái. Có
nguy cơ bị tuyệt chủng nếu môi trường sống bị xâm hại và việc buôn bán trái
phép phát triển.
Phân hạng:
VU
A1a,c
Biện pháp bảo
vệ:
Loài đã được đưa
vào Danh mục thực vật rừng, Động vật rừng nguy cấp,
quý hiếm (nhóm 2) của Nghị định số 32/2006/NĐ - CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ
để hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Nên thành lập khu
bảo tồn thiên nhiên về loài và bảo tồn ngoại vi (Ex - situ) bằng việc trồng
trong các vùng có điều kiện sinh thái thích hợp.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam 2010 - phần thực vật - trang 396.