Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU THỰC VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Ngũ gia bì gai
Tên Latin: Acanthopanax trifoliatus
Họ: Ngũ gia bì Araliaceae
Bộ: Hoa tán Apiales 
Lớp (nhóm): Cây thuốc  
       
 Hình: Internet  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    NGŨ GIA BÌ GAI

NGŨ GIA BÌ GAI

Acanthopanax trifoliatus (L.) Voss. 1894

Zanthoxylum trifoliatum L. 1753

Plectronia chinensis Lour. 1790

Acanthopanax aculeatum (Ait.) Witte, 1861

Eleutherococcus trifoliatus (L.) Hu, 1980

Acanthopanax trifoliatum (L.) Merr. 1906, comb. superfl..

Họ Ngũ gia bì Araliaceae

Bộ: Hoa tán Apiales

Đặc điểm nhận dạng:

Cây bụi trườn, vươn cao hay dài 2 - 7m; có phân cành; vỏ lúc non màu xanh, già màu nâu xám; có nhiều gai nhọn sắc. Lá kép chân vịt; cuống dài 2,5 - 3,5cm, có gai; 3 - 5 lá chét, từ hình trứng thuôn có mép khía răng khô, đến hình thuôn dài ở mép có gai nhọn (var. setosus Li), lá chét giữa thường lớn hơn các lá chét bên; kích thước lá chét thường 4 - 8 x 1,5 - 3cm. Cụm hoa dạng chùm tán, mọc ở đầu cành; hoa màu vàng ngà hay trắng ngà, có cuống mảnh, dài 0,7 - 1cm. Đài 5, nhỏ; cánh hoa 5 hình tam giác tròn đầu. Nhị 5, chỉ nhị dài hơn cánh hoa. Bầu 2 ô, đầu nhuỵ chẻ đôi. Quả hình cầu, hơi dẹt, khi chín màu tín đen. 1 - 2 hạt nhỏ. Vỏ thân, vỏ rễ và lá vò nát có mùi thơm đặc biệt. Loài này ở Việt Nam có 2 thứ: Acanthopanax trifoliatus (L.) Voss. var. trifoliatus A. trifoliatus (L.) Voss. var. setosus Li.

Sinh học, sinh thái:

Mùa hoa tháng 8 - 9, quả tháng 9 - 12. Gieo giống tự nhiên chủ yếu bằng hạt; Cây có khả năng tái sinh chồi khoẻ sau khi chặt. Cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, thường mọc thành bụi ở ven rừng núi đá vôi ẩm, bờ khe suối hoặc bờ nương rẫy; độ cao từ 350 - 1600m.

Phân bố:

Trong nước: Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Nam.

Thế giới: Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Campuchia, Indônêxia.

Giá trị:

Vỏ thân và rễ dùng làm thuốc bổ, có tác dụng kích thích tiêu hoá, chống đau nhức xương khớp. Lá dùng làm trà uống, lá tươi bó gãy xương.

Tình trạng:

Là cây thuốc có giá trị sử dụng phổ biến nên đã bị khai thác nhiều. Cây còn bị tàn phá do nạn phá rừng và mở rộng vùng canh tác, hiện đã trở nên hiếm dần.

Phân hạng: EN A1a,c,d + 2c,d

Biện pháp bảo vệ:

Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá "bị đe doạ" (T). Lưu ý bảo vệ triệt để hơn vùng rừng núi đá vôi Trùng Khánh (Cao Bằng). Chỉ khai thác cây có đường kính trên 1,5cm; chừa lại gốc 10cm để tái sinh. Khuyến khích trồng thêm làm bờ rào vườn và nương rẫy; trồng bằng cành và hạt.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam 2007 trang 82.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Ngũ gia bì gai

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này