SÒI QUẢ MỌNG
SÒI QUẢ MỌNG
Sapium baccatum Roxb., 1832
Balakata baccata (Roxb.) Esser, 1999
Carumbium baccatum
(Roxb.) Kurz, 1875
Excoecaria baccata
(Roxb.) Müll.Arg., 1866
Stillingia baccata
(Roxb.) Baill., 1858
Họ:
Thầu dầu Euphorbiaceae
Bộ:
Thầu dầu Euphorbiales
Đặc điểm nhận
dạng:
Cây thường xanh,
cao 10 - 15 m, đường kính 30 - 60 cm. Vỏ ngoài xám trắng, nứt dọc nông. Cành non
mảnh, màu lục phấn, lúc non có cạnh nổi lên. Lá đơn, mọc cách, hình bầu dục rộng,
đầu có mũi nhọn hay mũi lồi, gốc tròn hay tù, mặt trên có ánh bóng, mặt dưới màu
lục phấn, dài 6 - 11 cm, rộng 3 - 6 cm, gân bên 11 - 13 đôi, cuống lá có 2 tuyến,
ở mép gốc lá. Lá kèm sớm rụng. Cụm hoa nhiều 10 - 15 bông, thành nhóm dạng chùy
ở đầu cành hay nách lá, hoa cái ở gốc
hay hoàn toàn hoa đực, rất nhiều hoa khá dày, dài 4 - 12 cm, hoa đực thành nhóm
khoảng 6, nổi lên, nằm ở gốc 1 lá bắc hình trứng ngược, ở cạnh hai tuyến hình
bầu dục dài, hằn thành nhiều góc. Hoa đực, cánh đài hình khuyên, hơi có răng
dạng thùy nhỏ. Nhị 2. Hoa cái cao 5mm, lá bắc hình tim nhọn. Cánh đài hình
khuyên xẻ thùy nhỏ. Bầu dạng trứng hơi dẹt, 2 ô, mỗi ô một noãn, vòi 2, hơi dính
ở gốc.
Quả mọng dẹt gần
sinh đôi, thót dần vế phía gốc, dài 13 mm, rộng 11 mm, đầu tròn màu lục phấn.
Hạt 2, gần hình cầu.
Sinh học, sinh thái:
Cây mọc trong
rừng lá rộng thường xanh nhiệt đới, trạng thái nguyên sinh hay thứ sinh, địa
hình đồi và núi thấp, Cây ưa sáng, sinh trưởng nhanh, thường gặp ở rừng phục hồi
sau nương rẫy khai thác và cháy rừng. đòi hỏi đất tương đối khắt khe, phân bố
chủ yếu trên đất feralit có độ phì cao, tầng dày, màu mỡ, ẩm, thoát nước. Tái
sinh bằng 2 phương thức hạt và chồi, kể cả chồi rễ. Hoa tháng 5.
Phân bố:
Trong nước: Cây
mọc ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Kiên Giang.
Nước ngoài: Ấn
Độ, Bangladesh, Borneo, Campuchia, Trung Nam Trung Quốc, Đông Himalaya, Lào,
Malaya, Myanmar, Nepal, Đảo Nicobar, Sumatera, Thái Lan
Công dụng:
Gỗ loại thường,
dùng trong xây dựng nhà cửa, trụ mỏ, xẻ ván, bao bì, kiện hàng, gốc, nguyên liệu
bột giấy, giá thể cấy nấm, mộc nhĩ, đóng đồ dùng gia đình...Hạt ép lấy dầu dùng
thắp đèn, chế sơn. Lá làm thuốc có tác dụng tiêu ứ, tan sưng, lợi tiểu.
Tài liệu dẫn:
Cây gỗ kinh tế - Trần Hợp, Nguyễn Bội Quỳnh - trang 262.