KÉ ĐẦU NGỰA
KÉ ĐẦU NGỰA
Xanthium strumarium
L., 1753
Xanthium
abyssinicum
Wallr., 1842
Xanthium
antiquorum
Wallr., 1842
Xanthium
arenarium
Lasch, 1856)
Họ: Cúc Asteraceae
Bộ:
Cúc Asterales
Đặc điểm nhận dạng:
Cây cỏ, mọc đứng,
cao 30 - 60 cm hay hơn, phân nhánh nhiều. Thân non tiết diện gần tròn, có khi
hơi dẹp, màu xanh lục; mặt ngoài nhiều lông thô ráp màu trắng, rất ít lông mịn,
có nhiều gân dọc màu xanh lục sậm và chấm màu nâu tía; thân già tiết diện tròn,
màu xanh nâu. Lá đơn, mọc cách, không có lá kèm. Phiến lá nguyên hay có 3 - (5)
thùy rõ hay không rõ, dài 8 - 15 cm, rộng 10 - 14 cm, chóp hình tam giác, gốc có
thể thuôn nhọn, hình tim hay hơi hình tim và thường men xuống cuống một đoạn 0,5
- 1,5 cm tạo thành 2 cánh nhỏ ở hai bên, đáy phiến có thể đối xứng hay không đối
xứng, màu xanh lục, mặt trên sậm hơn mặt dưới, hai mặt phủ lông thô ráp màu
trắng, rất ít lông mịn; mép lá có răng cưa dạng lượn sóng không đều; gân lá hình
chân vịt với 3 gân gốc nổi rõ ở mặt dưới, gân bên hơi cong về phía ngọn lá.
Cuống lá dài 7 - 12 cm, hình trụ, gốc hơi nở rộng, mặt trên hơi lõm và màu nâu
đỏ, mặt dưới màu xanh lục, nhiều lông thô ráp màu trắng, rất ít lông mịn.
Quả giả hình
trứng hay hình thoi, dài 2 - 2,5 cm, đường kính 1 - 1,5 cm, hai sừng trên đỉnh
quả dài 5 - 7 mm, thường dài không đều nhau, gốc phình to, đầu thuôn nhọn; vỏ
ngoài màu xám vàng hay xám nâu, cứng và dai, mặt ngoài đầy gai hình móc câu, dài
3 - 5 mm, gốc phình to và phủ lông mịn màu trắng; bên trong có 2 ngăn tách biệt
bởi một vách dọc, mỗi ngăn đựng một quả thật; 2 quả thật không đều, một to một
nhỏ hơn. Quả thật là quả bế thẳng, hình bầu dục thuôn nhọn hai đầu, dài 12 - 20
mm, đường kính 6 mm, dẹp, một mặt phẳng một mặt lồi, màu tím đen; vỏ quả rất
mỏng, dễ bong tróc. Hạt hình thoi nhọn hai đầu, vỏ có nhiều nếp nhăn dọc; lá mầm
dày, bao bọc cây mầm, rễ và chồi mầm nhỏ nằm ở phía đầu nhỏ của hạt.
Sinh học, sinh
thái:
Cây mọc hoang
khắp nơi, ở ven đường, bãi trống, ruộng hoang, rừng thứ sinh ở hầu khắp các tỉnh
từ miền Trung vào Nam và lên đến độ cao 600m. Cây ưa sáng, tái sinh hạt tốt và
cũng được trồng ở nhiều vườn cây để làm thuốc. Mùa hoa quả: tháng 5 - 8.
Phân bố:
Trong nước: Cây
mọc hoang từ Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa đến Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An
Giang ở các đồi bãi, ven đường, các bãi cỏ, nơi trống có nhiều ánh sáng.
Nước ngoài: Hầu
khắp các quốc gia trên thế giới trừ các vùng cực.
Công dụng:
Thu hái khi quả
chưa ngả màu vàng. Phơi hoặc sấy khô. Quả chứa alcaloid, sesquiterpen lacton (xanthinin,
xanthumin, xanthatin), dầu béo. Lá chứa iod: 200 microgam trong 1g lá. Trong quả
là 220 - 230 microgam/lg quả. Chống dị ứng, chống viêm. Chữa mụn nhọt, lở loét,
mày đay, tràng nhạc, bướu cổ, đau khớp, thấp khớp, tay chân đau co rút, đau đầu,
viêm mũi chảy nước hôi, đau họng, ly. Ngày 6 - 12g thuốc sắc, cao hoặc viên.
Nước sắc quả ngậm chữa đau răng, bôi chữa nấm tóc, nấm ngoài da.
Mô tả loài:
Trần Hợp, Phùng Mỹ Trung, Phạm Văn Thế - WebAdmin.