DIẾP CÁ
DIẾP CÁ
Houttuynia cordata
Thumb.
Họ:
Lá giấp Saururaceae
Bộ:
Hồ tiêu Piperales
Mô tả:
Cây thân thảo cao 15 - 50cm;
thân màu lục hoặc tím đỏ;
lá mọc so le, hình tim, có
bẹ, khi vò ra có mùi tanh như mùi cá. Cụm hoa hình bông bao bởi 4 lá bắc màu
trắng, trong chứa nhiều hoa nhỏ màu vàng nhạt;
quả nang mở ở đỉnh,
hạt hình trái xoan, nhẵn.
Mùa hoa tháng 5 - 8, quả
tháng 7 - 10.
Nơi sống, sinh
thái:
Loài này phân bố ở lục địa
châu á,
phân bố từ Ấn
Độ qua Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, các nước Đông dương. Ở nước ta, Diếp cá
mọc hoang ở chỗ ẩm ướp, thường được trồng làm rau ăn. Thu hái cành lá quanh năm,
thường dùng tươi, có thể phơi hay sấy khô để dùng dần.
Công dụng:
Diếp cá là loại rau rất quen
thuộc trong các bữa ăn hàng ngày của các gia đình Việt Nam, nhất là ở các tỉnh
phía Nam. Thường dùng làm rau ăn sống, làm gia vị cùng các loại rau khác. Diếp
cá cũng được sử dụng làm thuốc trị: Táo bón, lòi dom. Trẻ em lên sởi, mày đay.
Viêm vú, viêm mô tế bào, viêm tai giữa. Mắt đau nhặm đỏ, hoặc nhiễm trùng gây mủ
xanh. Viêm mủ màng phổi. Viêm ruột lỵ. Viêm nhiễm đường tiết niệu, viêm thận phù
thũng. Phụ nữ kinh nguyệt không đều. Còn dùng chữa sốt rét, sài giật trẻ em, đau
răng, trâu bò bị rắn cắn. Liều dùng 6 - 12g, khô hoặc 20 - 40g tươi, dạng thuốc
sắc hoặc giã nát lấy nước uống. Dùng ngoài lấy lá tươi giả nhỏ đắp.
Ở Thái lan, người ta dùng
lá tươi để trị bệnh hoa liễu và trị các bệnh về da. Toàn cây đựôc dùng làm thuốc
lợi tiểu sát khuẩn đường tiết niệu sinh dục. Tại Trung Quốc người ta sử dụng
Diếp cá trong các trường hợp: Viêm mủ màng phổi, dùng 30g Diếp cá, 15g rễ Cát
cánh, sắc lấy nước uống.
Thử nghiệm điều trị ung thư
phổi, dùng Diếp cá 18g, hạt Đông qùy 30g, rễ Thổ phục linh 30g, Cỏ nhọ nồi và
Dương sỉ mộc, mỗi vị 18g và rễ Cam thảo bắc 5g, sắc nước uống. Cây tươi dùng giã
đắp ngoài trị dị ứng mẩn ngứa mày đay.
Tài liệu dẫn:
Cây thuốc Việt Nam - Võ văn Chi - Trang 406.