LAN KIẾM HỒNG LAN
LAN KIẾM HỒNG LAN
Cymbidium insigne
Rolfe,
1904.
Cymbidium eburneum
var. parishii auct. non Hook.
f. (1890).
Họ: Phong lan Orchidaceae
Bộ:
Phong lan Orchidales
Đặc điểm nhận dạng:
Cây thảo mọc ở đất, lâu năm. Bọng
hình trứng dài tới 8 cm, đường kính 5 cm, mang 6 - 10 lá. Lá dài tới 100 cm,
rộng 0,7 - 1,8 cm, hình dải - bầu dục hẹp, bẹ dài 5 - 15 cm. Cụm hoa dài 100 -
150 cm, có tới 27 hoa; cuống cụm hoa có thể dài đến 120 cm; lá bắc hình tam giác,
dài 3 - 15 mm. Hoa có đường kính 7 - 9 cm, không thơm. Cuống và bầu màu tía; lá
đài và cánh hoa màu trắng hay hồng nhạt, đôi khi có vài chấm đỏ ở phần gốc. Môi
màu trắng, dần thành màu hồng sẫm; thùy bên thường có gân và chấm màu đỏ nâu;
thùy giữa màu vàng ở gốc và thường có gân và chấm màu đỏ nâu ở tâm. Cột màu hồng
nhạt. Cuống và bầu dài 1,5 - 6,5 cm. Lá đài giữa hình trứng, cụt, lõm, dài 4,2 -
5,6 cm, rộng 1,5 - 2 cm. Lá đài bên tương tự. Cánh hoa hình trứng ngược hẹp, dài
4 - 5,2 cm, rộng 1,4 - 1,8 cm, hơi cong. Môi 3 thùy, dính với gốc cột 2 - 4 mm;
thùy bên rộng 1,2 - 2,2 cm, hơi tròn, có lông mịn hay nhú; thùy giữa cỡ 1,4 -
1,7 x 1,8 - 2,4 cm, từ hình tam giác đến gần tròn, hơi cong, có nhú. Cột cao 3 -
3,2 mm, có cánh ở gốc; khối phấn cỡ 2 - 2,5 mm. Quả dài 4 - 5 cm.
Sinh học và sinh thái:
Ra hoa vào tháng 1 - 2. Tái sinh
bằng chồi và hạt. Mọc rải rác trong rừng thưa, rừng Thông, ở độ cao 800 - 1600
m.
Phân bố:
Trong nước:
Lào Cai (Sapa), Kontum (Đắk Glei), Lâm Đồng
(Đà Lạt, Lang Bian, Đơn Dương).
Thế giới: Trung Quốc, Thái Lan.
Giá trị:
Cây làm cảnh vì có hoa to, đẹp, có
hương thơm, màu trắng hay hường, đáy phiến có sọc tía, môi có đốm hay sọc tía,
mép lượn sóng.
Tình trạng:
Loài có khu phân bố và nơi cư trú
chia cắt. Hiện đã bị suy giảm nghiêm trọng do chặt phá rừng hủy hoại nơi cư trú
và khai thác bán làm cây cảnh.
Phân hạng: EN
A1d, B1+2b,c,e.
Biện pháp bảo vệ:
Đề nghị xây dựng khu bảo tồn và nhân
giống Lan trong các vườn quốc gia và di chuyển một lượng cây sống có thể của
loài này về khu vực bảo tồn chăm sóc.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam năm 2007 - phần thực vật – trang 420.